Nâng cao vai trò của nông dân trong chuỗi giá trị lúa gạo

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:35, 12/12/2016

(HNM) - Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới, với lượng xuất khẩu có năm đạt gần 8 triệu tấn, tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế nhưng gạo của Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới, mà nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng thấp, chưa đủ sức cạnh tranh.


Nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo không chỉ là nhiệm vụ quan trọng của Ngành Nông nghiệp mà còn là mong muốn của đa số nông dân. Bởi chẳng ai muốn ở một đất nước có nền kinh tế nông nghiệp phát triển mà hạt gạo sản xuất ra lại chịu ép giá, thua thiệt so với các nước trong khu vực, thậm chí có tình trạng xuất khẩu phải gắn thương hiệu của nước khác.

Thời gian qua, Ngành Nông nghiệp cũng đã đưa ra những giải pháp để nâng cao giá trị cho gạo Việt Nam. Tuy nhiên, nói gì chăng nữa thì hạt gạo được làm ra bởi bàn tay nông dân, do đó việc lấy nông dân làm gốc là hết sức quan trọng, năng suất, chất lượng như thế nào phụ thuộc phần nhiều vào những người trực tiếp sản xuất loại nông sản xuất khẩu chủ lực này. Thực tế hiện nay, trong toàn chuỗi giá trị lúa gạo, nông dân chính là người vất vả, chịu nhiều rủi ro song hưởng lợi lại ít nhất, lợi nhuận chủ yếu rơi vào tay các khâu trung gian. Do đó, làm thế nào để bảo đảm sự công bằng cho nông dân trong chuỗi giá trị của gạo là điều cần sớm giải quyết.

Ngày 21-5-2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 706/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và mới đây, ngày 10-5-2016, Thủ tướng tiếp tục có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai dự án trọng điểm thuộc Đề án này. Đây là tiền đề quan trọng để lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu lúa gạo của nước ta phát triển ổn định và bền vững. Nhưng để hỗ trợ nông dân, Ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu, xây dựng được bộ giống lúa chất lượng, có giá trị dinh dưỡng cao, có thể sản xuất ổn định trên nhiều vùng sinh thái, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo chủ lực đặt hàng nông dân sản xuất đại trà theo hướng hàng hóa. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu thị trường, xây dựng tiêu chuẩn gạo Việt Nam mang thương hiệu quốc gia và phù hợp với các tiêu chí phát triển bền vững của thị trường thế giới.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp vĩ mô, sớm xây dựng thành công thương hiệu gạo quốc gia; từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng giá trị và khối lượng gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới là tiền đề cho người sản xuất. Nhưng chúng ta không thể để nông dân tự "bơi" mà cần có các chính sách hỗ trợ, định hướng nông dân vào quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị; khuyến khích nông dân góp đất, liên kết thành vùng lớn để cùng sản xuất bằng giống lúa có chất lượng, áp dụng phương pháp gieo trồng, chăm sóc tiêu chuẩn... Khi đã tập hợp được nông dân tham gia vào các mô hình như vậy, chắc chắn chất lượng nông sản sẽ đồng đều, doanh nghiệp dễ dàng liên kết thu mua được những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, bảo đảm các yếu tố xuất khẩu. Nói cách khác, là muốn nâng giá trị của lúa gạo Việt Nam thì trước tiên phải nâng cao vai trò của người nông dân trong chính chuỗi giá trị của nông sản này. Khi đã xác định rõ những lợi ích thiết thực cho người nông dân, cũng chính là tạo điều kiện để nông dân quyết định có tham gia vào chuỗi phát triển lúa gạo, chủ động lựa chọn sản xuất như thế nào cho phù hợp, hiệu quả nhất...

Hoàng Văn