Kẻ hủy diệt mang tên “ma túy tình yêu”
Pháp luật - Ngày đăng : 08:06, 29/05/2005
Ecstasy (tức trạng thái đê mê, ngây ngất, xuất thần), thường được gọi với cái tên thuốc lắc, là tên gọi dân gian của thuốc kích thần Methylenedioxy methamphetamin. Nó ra đời năm 1976 tại Mỹ do tiến sỹ sinh hóa Alexlander Shulgin bào chế. Tại nước ngoài, ecstasy được gọi với những cái tên “Adam”, “XTC” “ma túy tình yêu”… Thủ tướng Thái Lan gọi nó là “Zà ba” nghĩa là “thuốc điên”.
Sau khi uống, ecstasy hấp thụ gần như hoàn toàn ở ruộtrồi theo máu lên não. Ecstasy ngấm dễ dàng qua hàng rào máu não và gây hưng phấn tế bào thần kinh trung ương rất nhanh chóng. Sự hưng phấn thể hiện trên các mặt cảm xúc, tư duy, vận động. Người sử dụng trở nên vui vẻ, nói nhanh, nói nhiều, đùa cợt, vui nhộn quá mức nhưng cũng rất dễ nổi cáu. Hưng phấn về vận động thể hiện người sử dụng cảm thấy không mệt mỏi mà ngược lại có nguồn năng lượng dồi dào, có thể hoạt động liên tục trong nhiều giờ. Trong tình trạng “say”, họ thường dễ bị kích thích nên hay bị lạm dụng ở vũ trường trong tiếng nhạc to quá mức và ánh sáng huyền ảo của đèn sân khấu. 1 viên ecstasy 50 mg có tác dụng trong khoảng từ 6 đến 8 tiếng. Sau khi thuốc hết tác dụng, người sử dụng thường lâm vào tình trạng kiệt quệ về thể lực.
Điều đáng nói là ecstasy rất dễ gây nghiện. Chỉ cần dùng liên tục từ 1-2 tuần là sẽ nghiện. Nếu ngừng sử dụng, người nghiện rơi vào tình trạng trầm cảm thể hiện ở sự mệt mỏi, mất ngủ, chán nản, bi quan… Do vậy người nghiện luôn có xu hướng tái sử dụng để tìm lại cảm giác hưng phấn.
Khi sử dụng ecstasy liều cao hoặc trong trạng thái cai, bệnh nhân sẽ có các hoang tưởng như: bị hại, bị theo dõi, bị đầu độc và các ảo giác như: nghe tiếng người nói xấu trong đầu hoặc tiếng nói xui khiến mình. Các triệu chứng này giống hệt với các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt. Sử dụng ecstasy rất dễ dẫn đến tìnhtrạng loạn thần. Những người loạn thần tiềm tàng mà sử dụng ecstasy sẽ tạo cơ hội cho bệnh bùng phát. Ecstasy khi sử dụng liều cao và lâu dài có thể dẫn đến suy kiệt thể lực. Những người bệnh tim dễ bị suy tim và đột quỵ, một số khác có các dị dạng mạch máu ở não gây ra tai biến mạch máu não. Nếu dùng ecstasy ở liều quá cao khoảng 4 đến 6 viên 250 mg sẽ đột tử. Còn bình thường, ecstasy gây rối loạn giấc ngủ, tổn thương gan, toát mồ hôi, lo lắng, mờ mắt, trầm cảm. Nhưng điều quan trọng nhất là ecstasy gây tổn thương não, ảnh hưởng tới những chất dẫn truyền thần kinh, đặc biệt là serotonin. Chất này đóng vai trò trực tiếp trong việc điều khiển tâm trạng của con người như: sự kích động, họat động tình dục, giấc ngủ và cảm giác với sự đau đớn. Một nghiên cứu trên loài linh trưởng chỉ ra rằng, nếu sử dụng ecstasy 4 ngày liên tục thì cần 6-7 năm, não mới có khả năng phục hồi.
Về mặt tâm thần, người nghiện khi không có thuốc sẽ có hội chứng cai thể hiện sự thèm mãnh liệt, mất ngủ, mệt mỏi, chán ăn, bi quan, chán nản, nhìn cuộc sống đen tối, vô vọng. Khi đó họ chỉ nghĩ cách làm sao để có thuốc sử dụng vì vậy người nghiện dễtrộmcắp, cướp của, giết người… khi không có tiền. Mặt khác, tình trạng trầm cảm sau cai kéo dài khiến cho việc điều trị bệnh nhân trở nên khó khăn không kém gì hêrôin. Thậm chí có thể nói rằng hầu hết những người cai ecstasy đều tái nghiện.
Nếu như sau khi dùng hêrôin, người sử dụng bị ức chế và nằm bẹp tại chỗ thì ecstasy gây hưng phấn và kích động. Một số thanh niên lầm tưởng cho rằng thuốc gây kích thích vận động, làm cho người sử dụng luôn ở trạng thái khoẻ mạnh, sinh lực tràn trề. Ecstasy gây kích dục nên thường được một bộ phận thanh niên ưa thích. Bên cạnh đó, hêrôin đang bị truy quét mạnh mẽ, bị xã hội lên án nên người nghiện quay sang sử dụng ecstasy như một loại ma tuý thay thế mới. Hiện nay, không chỉ có một bộ phận thanh niên hay sử dụng ở vũ trường mà số ít lái xe tải đường dài và các nhân viên văn phòng làm việc nhiều với máy tính cũng có xu hướng sử dụng ecstasy để có ảo giác tỉnh táo và làm việc năng suất hơn.
Không phải bây giờ ecstasy mới xuất hiện ởViệt Nam. Cách đây 5,7 năm nó đã xuất hiện với cái tên mà dân nghiện gọi là Hồng phiến. ecstasy vào Việt Nam theo 2 con đường. Thứ nhất là từ Lào về (trước kia chủ yếu qua đường Lai Châu, hiện tại lại qua Nghệ An). Con đường thứ 2 là từ Campuchia vào. Nguồn cung cấp chủ yếu vẫn là vùng “tam giác vàng” Thái Lan- Mianma- Lào. Sau khi Mianma và Thái Lan mở các chiến dịch truy quét, triệt phá các cơ sở sản xuất hêrôin thì những kẻ chuyên sản xuất ở khu vực này chuyển sang điều chế ecstasy. Các trùm ma tuý quốc tế đã tìm cách đưa ecstasy vào Việt Nam để tìm thị trường thay thế với nhiều chiêu bài khuyến mại, tiếp thị tinh vi, đánh vào thị hiếu tò mò của giới trẻ. Tại Lào, ecstasy khá rẻ, chỉ khoảng 50.000đ/viên. Về Việt Nam, giá lên tới 200.000-300.000đ/viên, thậm chí có thời điểm lên tới 700.000đ/viên. Theo khảo sát của những nhà nghiên cứu về loại ma túy này, một người nghiện trung bình phải dùng khoảng 2- 4 viên ecstasy loại 50 mg/ ngày. Như vậy họ đã tiêu tốnkhoảng 400-800.000đ vào thời điểm giá rẻ nhất. Do bị kiểm tra gắt gao nên gần đây những kẻ buôn lậu dùng thủ đoạn tinh vi hơn là mua bột rồi về đóng viên tại Việt Nam vì dạng bột khó phát hiện hơn. Mặt khác vì là một loại ma tuý mới xâm nhập, chó nghiệp vụ chưa được huấn luyện nên không phát hiện được.
Tình trạng sử dụng ecstasy tại Việt Nam diễn ra từ lâu, nhưng rất tiếc cho đến nay, vẫn chưacó thống kê về hậu quả của ecstasy đối với người nghiện và xã hội. Không những thế, nó lại được coi là một hiện tượng mới. Những vụ sử dụng “ma tuý tình yêu” bị cơ quan chức năng phát hiện gần đây là lời cảnh báo nghiêm trọng đối với gia đình, xã hội. Nếu không có những biện pháp cứng rắn và mạnh mẽ thì ecstasy không chỉ làm tiêu tốn tiền bạc cho xã hội, làm băng hoại đạo đức và xa hơn sẽ hủy hoại giống nòi người Việt vì theo giớichuyên môn, loại ma tuý này còn khủng khiếp hơn hêrôin.
HNM