Bệnh viện Bạch Mai tái tạo thành công van tim mới cho nữ bệnh nhân
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:23, 13/12/2016
Được biết, trước đó, từ tháng 6-2016, chị Hòa bị sốt cao liên tục. Cứ hạ sốt được vài ngày chị lại bị sốt lại. Chị có đi khám nhưng cơn sốt cứ tái diễn. Đến giữa tháng 9-2016, tình trạng sốt ngày càng tăng lên khiến chị bị ngất liên tục, tím tái người, gia đình đã chuyển bệnh nhân đến thẳng Bệnh viện Bạch Mai. TS Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị Phẫu thuật Tim mạch (C8), Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi nhập viện, bệnh nhân bị nhiễm trùng rất nặng, phải dùng rất nhiều loại kháng sinh đắt tiền. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân không thể kiểm soát được bằng kháng sinh. Qua chẩn đoán, các bác sĩ nghi ngờ vi khuẩn tấn công vào tim người bệnh, gây nhiều ổ áp xe đầy mủ ở cơ tim.
Điều khó khăn nữa đối với ca bệnh này, theo TS Dương Đức Hùng, thông thường, với những bệnh nhân mổ tim cần phải điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn trong cơ thể (kể cả ổ răng sâu) rồi mới tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, với bệnh nhân Hòa, phẫu thuật ngay cũng nguy hiểm mà không phẫu thuật nguy cơ tử vong rất cao vì uống thuốc không thể kiểm soát được tình trạng nhiễm khuẩn. Thêm một khó khăn nữa là van tim của bệnh nhân bị mủn hoàn toàn, sẽ không có “bản lề” giữ van nhân tạo, van mới sẽ bị bung ra khi lắp vào, bác sĩ không thể thay van tim nhân tạo cho bệnh nhân. Chưa kể nếu dùng van nhân tạo sẽ không “ngấm” được kháng sinh, vi khuẩn sẽ càng có cơ hội làm tổ khiến tình trạng nhiễm trùng khó được khắc phục. Các bác sĩ đã quyết định hoán đổi van, cắt van động mạch phổi để ghép sang van tim. Để bù lại van động mạch phổi bị thiếu hụt, bác sĩ đã tạo hình một van mới được lấy từ màng tim, lắp vào thay thế van động mạch phổi bị cắt.
Ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng đồng hồ và cho kết quả ngoài mong đợi. Dù phẫu thuật tạo van tim mới tự thân là phẫu thuật khó, phức tạp, nguy cơ rủi ro cao, không phải đơn vị tim mạch nào cũng làm được. Tuy nhiên trong những trường hợp đặc biệt, với những bệnh nhân nhiễm trùng nặng như bệnh nhân trên hoặc với trẻ em có van tim nhỏ, không có van nhân tạo để thay van động mạch chủ thì đây lại là một phẫu thuật cứu nguy cho người bệnh.
Hiện tại, sau hơn 2 tháng nằm viện, bệnh nhân Hòa đã ăn uống được bình thường, có thể chống gậy đi lại.