Rắc rối bủa vây

Thế giới - Ngày đăng : 06:36, 13/12/2016

(HNM) - Trong vòng chưa đầy 2 tháng, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục phải hứng chịu những cuộc tấn công bằng bom nhằm vào lực lượng an ninh ở nhiều khu vực trọng điểm. Mới đây nhất, ngày 11-12, lại xảy ra vụ đánh bom kép nhằm vào trung tâm thành phố Istanbul khiến 38 người thiệt mạng và 155 người bị thương.

Vụ tấn công này cho thấy cảnh báo về những nguy cơ bất ổn, khi chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố chấm dứt hòa đàm với đảng Công nhân người Kurd (PKK) vào tháng 7 năm ngoái, đã trở thành hiện thực.

Hiện trường vụ đánh bom kép ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 11-12.



Ngay sau khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu nhất trong vòng 2 năm qua, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 100 thành viên của các đảng ủng hộ người Kurd. Tổng thống R.Erdogan đã lập tức trấn an người dân và tuyên bố sẽ đưa ra những biện pháp chống khủng bố đến cùng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng PKK sẽ không từ bỏ mục tiêu mà họ đang theo đuổi gần 4 thập kỷ qua - thành lập nhà nước người Kurd độc lập. Vì thế, các cuộc tấn công, đàn áp lực lượng này sẽ dẫn đến những hành động đáp trả ngày một quyết liệt và tàn bạo hơn.

Trên thực tế, quyết định chấm dứt tiến trình đàm phán hòa bình với PKK từ năm 2012 được cho là bước đi khá mạo hiểm nhằm thực hiện tham vọng đưa đất nước trở thành quốc gia Hồi giáo đứng đầu thế giới của Tổng thống R.Erdogan. Đây là mục tiêu mà ông đề ra từ khi đảng Công lý và Phát triển Thổ Nhĩ Kỳ (AKP) lên nắm quyền vào cuối năm 2002. Để đạt được mục tiêu này, Ankara không ngần ngại giúp Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) thực hiện kịch bản lật đổ Tổng thống nước láng giềng Syria Bashar al-Assad, một đồng minh thân cận của Iran và là quốc gia có ảnh hưởng mạnh mẽ trong khu vực.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngăn PKK thành lập một chính phủ của khu vực người Kurd ở Syria, giống như chính phủ khu vực tự trị người Kurd ở Bắc Iraq. Trong con mắt của các cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, nếu PKK thiết lập được một vành đai lãnh thổ tại Syria sẽ khuyến khích chủ nghĩa ly khai nảy nở, làm suy yếu khả năng kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ đối với lực lượng người Kurd trong nước. Song song với các cuộc đàn áp PKK, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia chiến dịch của Mỹ và liên quân chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng để gia tăng tiếng nói đối với các vấn đề trong khu vực. Tóm lại, Thổ Nhĩ Kỳ muốn có vị thế quan trọng trong việc định hình tương lai của người Kurd và các hoạt động lực lượng này triển khai ở Syria.

Tuy nhiên, khác với tính toán của Ankara, trong cuộc chiến chống lại IS ở Syria, cả Nga và Mỹ đều phải dựa vào PKK cũng như Lực lượng Tự vệ người Kurd (YPG), một nhánh của PKK tại Syria. Nhờ có đội quân này mà các thị trấn miền Bắc Syria và Iraq vẫn chưa rơi vào tay IS. Nhưng sự lớn mạnh của các tay súng người Kurd cũng đem lại nỗi lo không nhỏ cho chính quyền Ankara, nhất là khi tiến trình hòa đàm đã bị cắt đứt, đồng nghĩa với thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên không còn giá trị. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chỉ đau đầu tìm cách đối phó với các cuộc tấn công của IS mà còn phải giải quyết xung đột với PKK.

Với lực lượng quân đội lớn thứ 10 thế giới để đối phó với quá nhiều những nguy cơ về an ninh, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể tập trung vào nhiệm vụ cải cách kinh tế. Tăng trưởng của nước này đã giảm 3% trong năm 2015 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm 4% trong năm nay. Ngành du lịch, vốn được coi là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, cũng đang chịu thiệt hại nặng nề vì tình trạng bất ổn. Các nhà phân tích cảnh báo, các chỉ số vẫn có khả năng đi theo chiều hướng tiêu cực bởi Thổ Nhĩ Kỳ đang tồn tại quá nhiều vấn đề tiềm tàng cần giải quyết. Đó là chưa kể đến những khó khăn của nước này khi gặp bế tắc trong xử lý khủng hoảng di cư cùng với mối quan hệ không còn "mặn nồng" với Mỹ và EU sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua. Giới chuyên gia nhận định Thổ Nhĩ Kỳ dường như ngày càng gặp rắc rối nếu không có những chính sách điều chỉnh kịp thời.

Quỳnh Dương