Bài 15: Vận dụng những kinh nghiệm quý vào xây dựng khu vực phòng thủ
Chính trị - Ngày đăng : 06:44, 13/12/2016
Đây là vấn đề cơ bản, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố.
Phát huy kinh nghiệm Toàn quốc kháng chiến, để giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, trước hết đòi hỏi không ngừng xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt; lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới. Ở từng địa phương, cần phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, đặt dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy, thành ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy vai trò của cơ quan quân sự địa phương và các sở, ban, ngành. Cùng với việc đưa nội dung xây dựng khu vực phòng thủ vào nghị quyết, các thành ủy, tỉnh ủy cần xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện, phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng và nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, về nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc.
Hai là, nâng cao hiệu lực quản lý, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, của các cơ quan, ban, ngành, của chính quyền xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh về mọi mặt. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Bộ Quốc phòng phải tham mưu, giúp Đảng, Nhà nước kiện toàn cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ ở các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương nhằm phát huy sức mạnh mọi lực lượng, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh.
Cùng với đó, thường xuyên rà soát, bổ sung chương trình, kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ, nhất là các kế hoạch đầu tư kinh phí để thực hiện đề án xây dựng thế trận quân sự; nâng cấp, quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng… Quá trình thực hiện cần tuân thủ nghiêm pháp luật, quán triệt và thực hiện có hiệu quả việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh bằng các kế hoạch, chính sách cụ thể, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Đối với các bộ, ngành ở trung ương, địa phương cần chủ động rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, quân sự trong phạm vi lĩnh vực quản lý; đồng thời, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị cơ sở trực thuộc thực hiện đạt hiệu quả...
Ba là, phát huy sức mạnh nhân dân trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ, xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân”.
Thực tế cho thấy, thế trận khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố là thế trận toàn diện, trong đó trọng tâm là thế trận của lực lượng vũ trang thiết lập; đó là thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân được hình thành từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, thành phố và các mục tiêu trọng yếu do bộ đội chủ lực xây dựng, sẵn sàng được chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi chiến tranh xảy ra. Vì vậy, xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, phải thực sự gắn liền với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, trước hết là “thế trận lòng dân” ngay từ cơ sở, từng địa phương và trên phạm vi cả nước nhằm mục đích huy động được sức mạnh của nhân dân.
Bốn là, thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày nay, việc xây dựng bộ đội chủ lực, lực lượng dự bị động viên, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh toàn diện là vấn đề cơ bản, trọng yếu và cấp thiết trong xây dựng khu vực phòng thủ. Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần thực hiện tốt Pháp lệnh về “Lực lượng dự bị động viên”, quan tâm xây dựng lực lượng này luôn hùng hậu, đảm bảo về chất lượng, nhất là chất lượng về chính trị, chất lượng chuyên nghiệp quân sự. Trong đó, tập trung thực hiện tốt công tác quản lý cả con người và phương tiện, trang bị; nâng cao chất lượng huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên hàng năm; có kế hoạch động viên công nghiệp phù hợp, bảo đảm tận dụng được thành tựu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm là, đẩy mạnh phát triển kinh tế tạo nền tảng vững chắc cho xây dựng khu vực phòng thủ và bảo đảm về quốc phòng, an ninh. Thực tiễn cho thấy, sự phát triển kinh tế vững chắc có tác động trực tiếp đến chất lượng xây dựng khu vực phòng thủ, bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh là nội dung đặc biệt quan trọng trong xây dựng tiềm lực và thế trận của khu vực phòng thủ, đòi hỏi trong phát triển kinh tế phải gắn chặt với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh và phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Để chuẩn bị cơ sở vật chất, hậu cần, kỹ thuật, bài học quan trọng nhất là phải dựa vào dân, phát huy sức mạnh toàn dân, khai thác tốt hậu cần nhân dân, hậu cần tại chỗ… Chúng ta cần nghiên cứu, vận dụng những kinh nghiệm chuẩn bị cơ sở vật chất trong Toàn quốc kháng chiến để xây dựng căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, kết hợp kinh tế với quốc phòng trong các thành phần kinh tế, tổ chức sản xuất vũ khí trang bị để vừa phục vụ cho bảo đảm nhu cầu đời sống nhân dân, đồng thời sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu khi xảy ra…
70 năm đã qua, sự kiện cả đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã để lại nhiều kinh nghiệm quý giá cho công tác xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trong giai đoạn hiện nay. Để bước vào công cuộc kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân ta đã vượt qua mọi khó khăn, xây dựng thực lực cho cuộc kháng chiến lâu dài. Đó là quá trình Đảng lãnh đạo phát huy sức mạnh từ quần chúng nhân dân theo tinh thần “mang sức ta mà giải phóng cho ta”, khơi dậy lòng yêu nước để quần chúng nhân dân mang sức mình đóng góp cho đất nước, tạo nên tiềm lực quân sự, quốc phòng cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Bài học đó vẫn nguyên giá trị cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thành công nhiệm vụ “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc” để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.