Thủ tướng dự kỷ niệm 20 năm thành lập trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
Chính trị - Ngày đăng : 12:43, 13/12/2016
Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
GS Trần Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trong những trường ngoài công lập đầu tiên của Việt Nam. Qua 20 năm xây dựng và trưởng thành,nhà trường đã đào tạo 110 nghìn sinh viên, trong đó có 1 nghìn sinh viên Lào và Campuchia; tốt nghiệp ra trường và trên 60 nghìn cử nhân kinh tế, kỹ sư thực hành và thạc sĩ kinh tế. Riêng 5 năm vừa qua (từ 2011 đến 2016), trường đã mở thêm 4 ngành đào tạo bậc đại học, 1 ngành ở bậc cao học và được đào tạo tiến sĩ kinh tế, tuyển sinh hơn 46 nghìn sinh viên.
Với những kết quả đã đạt được trong 20 năm qua, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã được trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất.
Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng nỗ lực phấn đấu và kết quả đạt được của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, nhân viên, người lao động và sinh viên của trường trong suốt 20 năm qua, đặc biệt là những đóng góp, cống hiến của giáo sư, hiệu trưởng Trần Phương. Những kết quả đạt được của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khẳng định sự đúng đắn của đường lối xã hội hóa giáo dục ở nước ta, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Thủ tướng nhấn mạnh: Trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn thách thức đối với nước ta, Đảng, Nhà nước đã xác định phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao là một khâu đột phá chiến lược của đất nước. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phải nỗ lực đổi mới dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Thầy và trò của trường phải phấn đấu trở thành một cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực đa dạng của nền kinh tế.
Thời gian tới, thầy và trò nhà trường cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây: thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, phương thức đào tạo để phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn – đây là thế mạnh của trường, cần đặc biệt chú trọng, phát huy. Đào tạo phải gắn với nhu cầu thị trường lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đội ngũ sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực, trình độ thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý; xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý ngày càng vững mạnh về mọi mặt, hết lòng vì sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ. Mỗi cán bộ, giảng viên phải là tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, năng lực sáng tạo trong giảng dạy, tận tâm, tận tình hết lòng vì thế hệ trẻ. Đồng thời, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài nghiên cứu, tham gia phản biện và nghiên cứu góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, trước hết là về đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học. Sau khi tốt nghiệp, dù công tác ở lĩnh vực nào, các em phải luôn luôn phấn đấu trở thành những công dân gương mẫu, đóng góp tích cực cho xã hội, nhà trường cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ dạy và học, tạo mọi thuận lợi cho sinh viên, học viên trong học tập, nghiên cứu, chú trọng trang bị kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên; tổ chức nhiều hoạt động thực tiễn giúp sinh viên sáng tạo, trải nghiệm để trưởng thành về trí tuệ và năng lực thực hành; nhà trường cần hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động để trở thành một điển hình tốt về cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.