Trăn trở tìm hướng đi mới

Đời sống - Ngày đăng : 07:22, 14/12/2016

(HNM) - Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống nhà văn hóa (NVH) cơ sở, Sở VH-TT Hà Nội đã và đang nghiên cứu, khảo sát xây dựng mô hình tổ chức, hoạt động mới cho hệ thống NVH. Việc triển khai thí điểm thành công mô hình hoạt động mới tại NVH thôn Đoài, xã Nam Hồng (Đông Anh) đã mở ra hướng đi mới

Đánh thức khả năng sáng tạo của cộng đồng

Tương tự như nhiều địa phương khác, người dân thôn Đoài có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, có khả năng sáng tạo trong nhiều lĩnh vực. Sau thời gian lao động vất vả, những người yêu văn nghệ thường tập hợp lại thành nhóm và hát cho nhau nghe. Người hát chèo, người hát quan họ, người ca cải lương…, tạo thành phong trào nghệ thuật quần chúng sôi nổi, song do phát triển tự phát nên hoạt động này không được duy trì thường xuyên. Nhiều chị em có thời gian muốn làm thêm nghề phụ tăng thu nhập cho gia đình, nhưng không biết làm gì, bắt đầu từ đâu. Người cao tuổi muốn truyền lại vốn sống, kinh nghiệm làm nghề cho con cháu cũng chưa biết thế nào cho phù hợp... Trong khi đó, NVH thôn Đoài được xây dựng khang trang thường chỉ hoạt động khi làng có việc, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Nhiều hoạt động nghệ thuật diễn ra tại Nhà văn hóa thôn Đoài, xã Nam Hồng (huyện Đông Anh).



Sở VH-TT Hà Nội cùng đơn vị tư vấn là Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) đã thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động của NVH thôn Đoài dựa trên nhu cầu thực sự của cộng đồng nơi đây. Theo đó, Câu lạc bộ (CLB) Di sản và Ký ức, CLB Nghệ thuật trình diễn, CLB Làm hoa giấy thôn Đoài được thành lập và tổ chức sinh hoạt đều đặn 2 đến 3 buổi/tuần. Trong tương lai gần, nghề làm hoa giấy có thể trở thành nghề phụ của nhiều gia đình ở thôn Đoài. Thay vì hát theo bản năng, hơn 40 thành viên CLB Nghệ thuật trình diễn hiện nay có thể vừa hát vừa trình diễn một số làn điệu chèo, quan họ… đúng bài bản. Đáng nói hơn, CLB Di sản và Ký ức đã phỏng vấn, ghi âm, biên soạn được 15 câu chuyện đưa lên pa nô giới thiệu tại NVH; tổ chức thành công 2 buổi chia sẻ ký ức chiến tranh với thế hệ trẻ.

“Sau thời gian đổi mới hoạt động, NVH thôn Đoài đã tạo được môi trường giao lưu văn hóa phù hợp với mong muốn của cộng đồng. Phong trào văn hóa, nghệ thuật ở thôn Đoài cũng hồi sinh, phát triển mạnh mẽ”, ông Đỗ Đức Tính, Phó Chủ tịch HĐND xã Nam Hồng khẳng định.

Muốn nhân rộng phải tôn trọng tính đặc thù

Đánh giá cao hiệu quả hoạt động của NVH thôn Đoài (xã Nam Hồng), Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, huyện sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương nghiên cứu mô hình này để từng bước nhân rộng, trước mắt tại xã Nam Hồng. Ngoài nguồn kinh phí dự kiến hỗ trợ cho mỗi NVH thôn 5 triệu đồng/năm, huyện Đông Anh sẽ tạo điều kiện, tạo cơ chế để người dân phát huy nội lực, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống NVH cơ sở.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định, mô hình hoạt động của NVH thôn vốn rất mơ hồ, nay đã được phác họa rõ nét. Kinh nghiệm triển khai thành công mô hình hoạt động mới tại NVH thôn Đoài đã mở ra hướng đi cho hàng nghìn NVH thôn trên địa bàn thành phố. Sở đang nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý, cơ chế hoạt động cho hệ thống NVH thôn trên địa bàn TP Hà Nội, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân có môi trường sáng tạo, môi trường sinh hoạt tốt nhất.

Bà Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa đánh giá, chủ trương hoàn thiện, phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống NVH cơ sở theo hướng để cộng đồng là chủ thể sáng tạo, chủ thể sử dụng, đồng thời là đối tượng thụ hưởng của TP Hà Nội là đúng đắn. Tuy nhiên, nhu cầu của cộng đồng rất đa dạng nên khi tiến hành khảo sát, nghiên cứu, các địa phương cần có sự cân nhắc, thảo luận, thống nhất để đưa ra mô hình hoạt động phù hợp, gắn kết với nhu cầu và mục tiêu phát triển của từng địa phương, tránh tình trạng triển khai ồ ạt theo phong trào.

Về nguồn lực để hiện thực hóa chủ trương đổi mới, bà Lê Thị Minh Lý cho rằng, “Để tổ chức các hoạt động, vận hành NVH không thể chỉ trông chờ vào nguồn xã hội hóa tại chỗ, mà cần tính đến các biện pháp tạo nguồn kinh phí vĩ mô hơn. Mỗi người dân hãy phát huy sức sáng tạo của mình để tổ chức các hoạt động sao cho đơn giản, gần gũi, dễ thực hiện, ít tốn kém. Chẳng hạn, người dân thôn Đoài (xã Nam Hồng, Đông Anh) chọn cách làm hoa giấy thay vì hoa lụa giảm được chi phí nguyên liệu. Hộp pa nô trưng bày các câu chuyện kể tại NVH được làm bằng chất liệu có độ bền cao, có thể tái sử dụng…”.

Xây dựng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống NVH cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm khi triển khai Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”. Do đó, việc đổi mới các hoạt động của NVH là cần thiết, nhưng cần được tiến hành cẩn trọng, chắc chắn.

Minh Ngọc