Bài 16: Giữ nước từ khi nước chưa nguy!
Chính trị - Ngày đăng : 06:52, 14/12/2016
Trước hết là xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần. Tiềm lực chính trị, tinh thần là khả năng tiềm tàng về chính trị, tinh thần có thể huy động nhằm tạo ra sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Tiềm lực này biểu hiện ở nhận thức, ý chí, niềm tin, tâm lý, tình cảm của nhân dân và lực lượng vũ trang (LLVT) trước nhiệm vụ quốc phòng của đất nước. Xây dựng tiềm lực này là cả một quá trình lâu dài trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng và biểu hiện rõ nét nhất khi đất nước có chiến tranh.
Để tiếp tục xây dựng, phát huy tiềm lực chính trị tinh thần trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ hiện nay, trước hết phải xây dựng lòng tin của mọi tầng lớp nhân dân vào bản chất tốt đẹp của chế độ, vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Do vậy, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) thực sự của dân, do dân, vì dân và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân là yếu tố có tính quyết định trong xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần.
Bên cạnh đó, trong công tác giáo dục quốc phòng, an ninh cần tập trung quán triệt, tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đồng thời nâng cao nhận thức cho nhân dân về âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Thông qua đó, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo sự đồng thuận của toàn dân đối với sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Hai là, xây dựng tiềm lực kinh tế. Tiềm lực kinh tế là cơ sở vật chất của các tiềm lực khác, quyết định đến sức mạnh quốc phòng, đến chiến tranh và quân đội. Trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng và phát huy tiềm lực kinh tế trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ, trước hết từng địa phương phải tập trung phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân; đồng thời thực hiện tốt yêu cầu kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh. Sự kết hợp đó phải được thực hiện ngay trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó cần phát triển nền công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, vừa bảo đảm sửa chữa, sản xuất, cải tiến, nâng cấp vũ khí, trang bị theo yêu cầu nhiệm vụ phát triển mới của LLVT nhân dân, vừa phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế của đất nước.
Thực tiễn cho thấy, nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN với sự phát triển của nhiều thành phần kinh tế đang đặt ra vấn đề mới, nhất là trong việc huy động nhân lực, vật lực. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách, chế tài để quản lý, huy động các nguồn lực phục vụ cho nhiệm vụ quân sự quốc phòng khi cần thiết.
Ba là, xây dựng tiềm lực quân sự. Sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh tổng hợp của đất nước. Tuy nhiên, sức mạnh đó tập trung trước hết ở tiềm lực quân sự, mà khả năng chiến đấu của LLVT có ý nghĩa quyết định. Ngày nay, việc xây dựng LLVT thuận lợi hơn rất nhiều, nhưng kinh nghiệm về xây dựng LLVT ba thứ quân, vừa chiến đấu, vừa xây dựng trưởng thành, phát động toàn dân tham gia chiến đấu trong Toàn quốc kháng chiến vẫn có giá trị vận dụng trong tình hình mới. Đặc biệt, nhiệm vụ BVTQ, nhất là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi phải xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao. Bên cạnh đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị còn phải thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, có chất lượng ngày càng cao. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân; thực hiện tốt Nghị định 77/2010/NĐ-CP, ngày 12-7-2010 của Chính phủ về phối hợp giữa Quân đội với Công an trong thực hiện bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng. Theo đó, trên từng địa bàn, cần phối hợp giữa LLVT địa phương với lực lượng Công an thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ chính quyền, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở.
Bốn là, xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ (KHCN). Tiềm lực KHCN là khả năng tiềm tàng về KHCN có thể huy động nhằm giải quyết những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của xã hội và xử lý các tình huống quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Tiềm lực đó thể hiện ở khả năng phát triển của KHCN, số lượng, chất lượng cán bộ khoa học, cơ sở vật chất phục vụ cho KHCN.
Đánh giá về công tác nghiên cứu khoa học phục vụ cho lĩnh vực quốc phòng, Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Công tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực quốc phòng đạt được một số kết quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kỹ thuật quốc phòng”. Để đáp ứng kịp thời yêu cầu BVTQ, đánh thắng chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao của địch, cần tập trung xây dựng tiềm lực KHCN theo hướng tự chủ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời đẩy mạnh phát triển khoa học - kỹ thuật - công nghệ quân sự theo hướng phục vụ kịp thời và có hiệu quả những yêu cầu về bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho LLVT. Đặc biệt, phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, để có thể chế tạo, sản xuất nhiều loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu tác chiến đánh bại kẻ địch có vũ khí công nghệ cao.
70 năm đã trôi qua, nhưng những kinh nghiệm về xây dựng tiềm lực quốc phòng trong những ngày Toàn quốc kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị. Thắng lợi của Toàn quốc kháng chiến cho ta thấy để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN cần phải xây dựng tiềm lực quốc phòng ngay từ thời bình, sẵn sàng đối phó với chiến tranh cũng như những vấn đề an ninh phi truyền thống. Có như vậy, đất nước mới không bị bất ngờ trong mọi tình huống.