Quận Tây Hồ: Thi công gây hư hỏng nhà dân

Bạn đọc - Ngày đăng : 05:39, 15/12/2016

(HNM) - “Ngày 28-3-2016, tôi đã có đơn trình báo khẩn cấp tới UBND phường Thụy Khuê về việc thi công mương thoát nước (đoạn từ dốc La Pho đến Tam Đa) gây hư hỏng công trình nhà ở với nhiều vết nứt xé dọc tường. Mặc dù đã được nhà thầu xây dựng cho người đến trát vá, song đến nay nhà ở của tôi vẫn tiếp tục

Vết nứt tại nhà cụ Vũ Thị Tân mới được trát vá tạm thời.


Tìm hiểu, chúng tôi được biết Dự án (DA) thi công cống hóa mương thoát nước đoạn từ La Pho đến Cống Đỗ, sau nhiều lần bị trì hoãn do thiếu vốn, bắt đầu được thi công từ đầu năm 2016 và đến tháng 3-2016, gia đình cụ Vũ Thị Tân phát hiện ngôi nhà có hiện tượng lún nứt. Đến tháng 9-2016, nhiều vết nứt tiếp tục phát sinh và ở mức độ nguy hiểm hơn. Do vậy, cụ Tân đã phải chuyển sang nhà con gái để sinh sống. Đơn vị thi công mới chỉ thực hiện khắc phục, xử lý hư hỏng nhà dân bằng việc… cho người đến ghi nhận, trát vá tạm thời. Ghi nhận thực tế, phóng viên nhận thấy, không chỉ công trình nhà cụ Tân bị lún nứt, mà nhiều nhà dọc tuyến mương cống hóa này cũng bị ảnh hưởng.

Thừa nhận việc thi công cống hóa mương có ảnh hưởng đến nhà dân, ông Nguyễn Công Quảng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) quận Tây Hồ cho biết: Từ khi đơn vị thi công bắt đầu rút cừ (tháng 4-2016), nền đất yếu gần mương bị xô dẫn đến nhiều công trình phụ, nhà tạm, xây dựng đã lâu bị ảnh hưởng.

Với hộ cụ Tân, sau khi tiếp nhận phản ánh, Ban QLDA, đơn vị thi công, UBND phường sở tại đã nhiều lần xuống ghi nhận hiện trạng (ngày 5-4-2016 và 6-8-2016). Theo đó ghi nhận nhiều vết nứt mới ở cửa ra vào, phòng vệ sinh. Ngoài ra, các vết nứt cũ lại tiếp tục bị kéo dài hơn và tách rộng hơn. Tại biên bản ghi nhận hiện trạng gần nhất (ngày 30-9-2016) nêu: “Căn cứ vào biên bản kiểm tra của các lần trước, nay Tổ công tác xuống kiểm tra hiện trạng thực cho thấy ngôi nhà đã bị xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều vết nứt mới và cũ ở các vị trí đã cho trát vá lần trước ở trong nhà và công trình phụ”. Trước sự xuống cấp trầm trọng này, Ban QLDA quận Tây Hồ cho biết, thời gian qua, giữa gia đình cụ Tân và nhà thầu đã làm việc nhiều lần, nhưng chưa đi đến thống nhất. Trong khi hộ cụ Tân kiến nghị nhà thầu thi công phải xây lại nhà hoặc bồi thường thiệt hại bằng tiền để gia đình xây lại nhà, thì phía nhà thầu cho rằng nhà xây đã lâu và có thể khắc phục được. Do hai bên chưa thống nhất được hướng giải quyết, mới đây nhất, tại biên bản làm việc (ngày 15-11-2016) giữa Ban QLDA, đơn vị thi công và gia đình cụ Tân đã đi đến thống nhất: Mời đơn vị kiểm định độc lập vào đánh giá hiện trạng ngôi nhà, từ đó làm cơ sở để tiếp tục các bước tiếp theo trong quá trình khắc phục ảnh hưởng và lên phương án bồi thường.

Đến nay, đơn vị thẩm định là Công ty CP Kỹ thuật Thăng Long đã có kết quả khảo sát chất lượng hiện trạng công trình và đề xuất việc xác định giá trị bồi thường sẽ dựa theo Quyết định 29/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.

Ông Nguyễn Công Quảng - Phó Giám đốc Ban QLDA quận Tây Hồ cho biết: Nhà thầu thi công phải thỏa thuận với hộ dân về phương án đền bù. Đầu tháng 12-2016, Ban QLDA quận đã yêu cầu nhà thầu thi công sớm thỏa thuận xong giá đền bù với hộ cụ Tân. Trường hợp không đạt được thỏa thuận, Ban QLDA sẽ yêu cầu mời đơn vị kiểm định của Bộ Xây dựng vào đánh giá nhằm xác định mức bồi thường.

Dạ Khánh