Xây dựng chiến lược giảm thiểu rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm giai đoạn 2017-2021
Xã hội - Ngày đăng : 17:54, 15/12/2016
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình thiên tai tại Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều loại hình mới, diễn biến trên diện rộng, gây nhiều tổn thất lớn về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Kể từ đầu năm 2016 đến nay, thiên tai tại Việt Nam đã làm 171 người chết, 30 người mất tích, gây thiệt hại về kinh tế hơn 37.000 tỷ đồng. Chỉ tính trong đợt mưa, lũ từ ngày 28-11 đến ngày 12-12 tại miền Trung, đã làm 27 người chết, trong đó có 10 trẻ em, đáng tiếc nhất là có một số trẻ bị nạn ngay trên đường đi học về.
Trẻ em Việt Nam ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Thiên tai kéo dài (hạn hán và xâm nhập mặn) để lại hậu quả lâu dài đến trẻ em trong các lĩnh vực dinh dưỡng, sức khỏe, giáo dục, bảo vệ trẻ em và bảo trợ xã hội. Hội nghị đánh dấu một bước quan trọng đưa ra định hướng cho vấn đề giảm nhẹ rủi ro lấy trẻ em làm trung tâm ở Việt Nam trong khuôn khổ Luật Phòng chống thiên tai, các cam kết toàn cầu và khu vực của Chính phủ trong cứu trợ khẩn cấp và quản lý thiên tai.
Theo UNICEF, ở những vùng hay bị thiên tai, trẻ em phải trả giá đắt khi thiên tai trở thành thảm họa. Từ tháng 8-2016, Chính phủ Việt Nam và UNICEF tiến hành các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em và phụ nữ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn tại 10 tỉnh thuộc vùng cao nguyên Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long từ nguồn vốn 2,5 triệu đôla Mỹ do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Tới nay, khoảng 240.000 người dân đã được hỗ trợ khẩn cấp. Những bài học kinh nghiệm từ hoạt động này giúp xây dựng kế hoạch chuẩn bị, vận động sự hợp tác ở cấp trung ương, địa phương và cộng đồng nhằm bảo đảm người dân có thể phòng ngừa, phản ứng tốt với những thay đổi lớn do biến đổi khí hậu và môi trường gây ra. Trong đó, trẻ em được đi học trong môi trường an toàn, các dịch vụ cho trẻ em không bị gián đoạn bởi thiên tai, trẻ em được bảo vệ khỏi các khủng hoảng và áp lực.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá những tiến bộ, kết quả đạt được và các bài học rút ra từ việc thực hiện các chương trình cứu trợ khẩn cấp hiện nay cho các vùng hạn hán và xâm nhập mặn, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, đưa ra phương hướng hợp tác trong tương lai trong lĩnh vực giảm thiểu rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm. Các đại biểu đã nhất trí xây dựng chiến lược và chương trình giảm thiểu rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm trong giai đoạn 2017-2021, tầm nhìn 2030; xây dựng cơ chế điều phối tốt hơn để giảm thiểu ảnh hưởng đối với trẻ em, tăng cường năng lực của các cơ quan liên quan, của trẻ em, gia đình và cộng đồng.