Tạo đà cho trường công lập chất lượng cao

Giáo dục - Ngày đăng : 06:35, 15/12/2016

(HNM) - Thông tin được dư luận xã hội và phụ huynh học sinh (HS) đặc biệt chú ý trong tuần qua là việc HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 15/2013/NQ-HĐND về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao (CLC) trên địa bàn thành phố.

Trường CLC là mô hình trường học đã được triển khai thí điểm tại Hà Nội từ khoảng mười năm về trước, song phải đến năm 2013, khi Luật Thủ đô ra đời, mô hình này mới có căn cứ pháp lý chính thức để thực hiện. Điều đáng nói là, cho đến nay, Hà Nội vẫn là địa phương đầu tiên và duy nhất xây dựng mô hình trường CLC với những tiêu chuẩn bắt buộc về điều kiện dạy học, về chương trình giáo dục, dịch vụ, cam kết chất lượng... Đây là mô hình được Bộ GD-ĐT và nhiều địa phương tham khảo để tiến tới nhân rộng.

Hoạt động khám phá “Biển báo giao thông” trong chương trình kiến tập chuyên đề cho giáo viên tại Trường Mầm non Đô thị Việt Hưng (quận Long Biên).


Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội) nhận định: Quá trình triển khai mô hình này đã khẳng định tính đúng đắn của một chủ trương, vừa đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, có chất lượng của một bộ phận HS Thủ đô, vừa tiến tới xây dựng, hoàn thiện một mô hình trường có đầy đủ các điều kiện dạy học và chương trình giáo dục đáp ứng với các yêu cầu hội nhập. Đến nay, toàn thành phố có 13 trường đã được công nhận CLC (trong đó có 8 trường công lập), 5 trường đang thực hiện thí điểm. Việc triển khai nhân rộng mô hình này cùng với sự ủng hộ của xã hội, sự tin tưởng của phụ huynh HS đang từng bước khẳng định tính hiệu quả và là căn cứ cho việc tiếp tục nhân rộng mô hình này.

Dù vậy, do đây là mô hình giáo dục mới, nên trong quá trình triển khai vẫn gặp nhiều trở ngại, cần thêm thời gian để chính các nhà trường khẳng định uy tín, chất lượng với phụ huynh HS và cơ quan quản lý kịp thời có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển GD-ĐT giai đoạn mới. Việc được HĐND thành phố thông qua sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 15/2013/NQ-HĐND là căn cứ pháp lý, tạo đà phát triển cho các trường CLC, đồng thời cũng khẳng định sự quan tâm thiết thực của lãnh đạo thành phố đối với mô hình giáo dục mới này. Điểm đáng chú ý nhất của Nghị quyết điều chỉnh là kéo dài thời gian hỗ trợ ngân sách theo cơ chế giảm dần cho các trường CLC lên 3 năm, tạo đà cho các trường có lộ trình tiến tới tự chủ vững chắc. Đây cũng là thách thức lớn đối với các nhà trường, như chia sẻ của cô giáo Hoàng Thị Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm): Giáo dục CLC là một mô hình hoàn toàn mới với nhiều yêu cầu mới, trong đó có việc khó nhất là phải tự tính toán, cân đối thu chi, trong khi cán bộ, giáo viên chỉ quen với việc được Nhà nước bao cấp và thực hiện công tác chuyên môn.

Việc quyết định tăng học phí cụ thể của từng trường phải căn cứ vào bốn yếu tố cơ bản gồm: Điều kiện kinh tế - xã hội tại địa bàn; cam kết thực hiện chất lượng giáo dục cao theo tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy; kết quả kiểm định và mức hỗ trợ của ngân sách. Các trường chỉ được áp dụng việc tăng học phí khi được cơ quan quản lý phê duyệt.



Điều chỉnh mức học phí là cần thiết

Theo Nghị quyết điều chỉnh, mức trần học phí của các trường công lập CLC sẽ tăng theo lộ trình trong 4 năm học liên tiếp với các mức khác nhau tùy từng cấp học, từ năm học 2016-2017 đến năm học 2019-2020. Ví dụ mức trần học phí của mầm non trong năm học 2016-2017 là 3,9 triệu đồng/HS/tháng, đến năm học 2019-2020 là 5,1 triệu đồng/HS/tháng. Từ năm học 2020-2021 trở đi mức trần học phí sẽ được điều chỉnh cùng với việc xây dựng định mức phân bổ ngân sách và các yếu tố liên quan. Trên cơ sở mức trần học phí quy định, hằng năm hiệu trưởng nhà trường xem xét quyết định mức thu học phí cụ thể sao cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Tuy nhiên, việc tăng học phí của các trường CLC trong bối cảnh hiện nay khiến dư luận, phụ huynh HS không khỏi băn khoăn, nghi ngại về chất lượng giáo dục liệu có tương xứng với “đồng tiền bát gạo” bỏ ra? Cơ quan quản lý có cơ chế nào để giám sát chất lượng của các nhà trường? Ông Nguyễn Viết Cẩn cho biết thêm, một trong những cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh mức trần học phí của trường CLC là đến thời điểm này, quy định mức trần học phí tại Nghị quyết 15/2013/NQ-HĐND đã hết thời gian được áp dụng. Bên cạnh đó, Nghị định 86/2015/NĐ-CP ban hành ngày 2-10-2015 quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục cũng nêu rõ: “Cơ sở giáo dục công lập thực hiện chương trình CLC được thu học phí tương xứng để bù đắp chi phí đào tạo”.

Theo ghi nhận, trước chủ trương được điều chỉnh mức trần học phí, hầu hết các trường đều cảm thấy lo nhiều hơn mừng. Việc tăng học phí thực sự là một quyết định không dễ dàng với hiệu trưởng nhà trường bởi sẽ phải đối mặt với nguy cơ khó tuyển sinh, thậm chí còn phải lo “giữ chân” HS, nếu không các em sẽ chuyển trường giữa chừng. Khảo sát 8 trường công lập CLC hiện nay cho thấy chỉ có 1 trường có mức thu học phí đạt mức trần quy định tại Nghị quyết 15/2013/NQ-HĐND (3,4 triệu đồng/HS/tháng ở cấp THPT), các trường còn lại có mức thu bình quân đạt 46% mức trần, trường có mức thu thấp nhất bằng 17% mức trần. Rõ ràng, mối lo không tuyển được HS khiến cho các trường phải cân đo đong đếm kỹ càng khi quyết định điều chỉnh học phí. Nếu thu học phí cao, chất lượng giáo dục không tương xứng thì chính các nhà trường sẽ rơi vào tình trạng thiếu vắng học sinh và đây chính là cái gốc quyết định sự tồn tại của từng trường.

Thống Nhất