Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ: Việc cần làm ngay!
Đời sống - Ngày đăng : 07:34, 15/12/2016
Xảy ra nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng
Đến giờ, người Hà Nội vẫn chưa thể quên được những vụ cháy, nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản xảy ra thời gian gần đây. Đó là vụ nổ trạm biến áp Bùi Thị Cúc 4 xảy ra chiều 17-11 trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Đông khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương. Tiếp đó, khoảng 11h ngày 21-11, tại ngõ 283, Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, nhiều người quanh khu vực bất chợt nghe thấy tiếng nổ lớn phát ra từ tầng cao nhất của ngôi nhà 4 tầng, sau đó ngọn lửa bốc cao.
Vài ngày sau đó, tiếp tục xảy ra vụ cháy kho hàng tổng hợp rộng hơn 2.000m2 của Công ty cổ phần Đồng Tháp tại Khu công nghiệp Ngọc Hồi thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội vào 10h sáng 2-12 khiến gần như toàn bộ hàng hóa trong khu kho, xưởng này bị thiêu rụi. Nhưng có lẽ đau lòng nhất là vụ cháy xảy ra ngày 1-11 tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) làm 13 người thiệt mạng.
Liên tiếp những vụ cháy, nổ nghiêm trọng xảy ra trong thời gian rất ngắn cho thấy, tình hình cháy nổ trên địa bàn đang diễn ra hết sức phức tạp. Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành, thời gian qua công tác bảo đảm ATVSLĐ, PCCN có bộc lộ nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính vẫn là sự chủ quan của con người. Thêm vào đó, Ban Chỉ đạo ATVSLĐ, PCCN một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chú trọng, công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ, PCCN có nơi, có lúc bị buông lỏng; đồng thời, sự phối kết hợp giữa các cơ quan trong công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ, PCCN chưa đồng bộ, thiếu thống nhất từ thành phố tới quận, huyện, thị xã nên hiệu quả chưa cao.
Và những bất cập
Trưởng phòng An toàn lao động Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Bạch Quốc Việt cho rằng, các khu đô thị mới, những tòa nhà chung cư, những công trình nhà ở dân cư ở Hà Nội mọc lên ngày càng nhiều. Tuy nhiên, công tác giám sát, huấn luyện, trang bị kiến thức về an toàn lao động vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Thống kê đến tháng 12-2016 cho thấy, trên địa bàn thành phố xảy ra 49 vụ tai nạn lao động làm 50 người chết, 16 người bị thương, thiệt hại về tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng.
Cũng tại Hội nghị tổng kết Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ, PCCN năm 2016, các đại biểu đều cho rằng, công tác ATVSLĐ, PCCN dù được quan tâm, đẩy mạnh tuy nhiên vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động, cháy nổ. Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy TP Hà Nội cho biết, hiện nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCN, chưa nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân của mình trong việc đôn đốc người lao động chấp hành các quy định an toàn PCCN.
Ở góc độ khác, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, hiện còn quá nhiều nỗi lo với công tác bảo đảm ATVSLĐ, PCCN, đặc biệt là ở các làng nghề. Hầu hết làng nghề ở Hà Nội là tự phát, chưa được quy hoạch tập trung, nên tình trạng ô nhiễm, mất ATVSLĐ trong sản xuất đang trở nên nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc PCCN, bảo đảm ATVSLĐ không phải là việc riêng của cơ quan chức năng mà là trách nhiệm của toàn dân.