Thời hạn nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội của người bệnh

Đời sống - Ngày đăng : 07:22, 02/02/2023

(HNM) - Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 18/2022/TT-BYT (ngày 31-12-2022) sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế. Khoản 12, Điều 1 của Thông tư sửa đổi Khoản 2 Điều 20 Thông tư số 56/2017/TT-BYT như sau:

Một lần khám chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

Trường hợp người lao động trong cùng một thời gian được hai chuyên khoa trở lên của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau khám và cùng được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thì chỉ được hưởng một trong những giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất. Trường hợp người lao động khám nhiều chuyên khoa trong cùng một ngày tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với nhiều bệnh khác nhau thì chỉ cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và được giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với bệnh có chế độ cao nhất. Trường hợp người bệnh điều trị bệnh lao theo Chương trình Chống lao quốc gia thì thời gian nghỉ tối đa không quá 180 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Trường hợp người lao động bị sẩy thai, phá thai, nạo, hút thai, thai chết lưu mà tuổi thai từ 13 tuần tuổi trở lên thì thời gian nghỉ tối đa theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội nhưng không quá 50 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Như vậy, thời gian cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã tăng lên tối đa đến 50 ngày và 180 ngày cho một lần cấp giấy chứng nhận, tùy theo bệnh điều trị.

Thông tư số 18/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15-2-2023.

Ban Bạn đọc