Xét xử phúc thẩm vụ án tham nhũng ở Agribank chi nhánh Nam Hà Nội

Pháp đình - Ngày đăng : 14:10, 16/12/2016

Sáng 16/12, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Nam Hà Nội...


Tại phiên tòa phúc thẩm, có tổng số 20 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Phạm Thị Bích Lương có đông luật sư bào chữa nhất là 3 luật sư. Hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán, do thẩm phán Nguyễn Vinh Quang làm chủ tọa phiên tòa.


Bị cáo Phạm Thị Bích Lương tại tòa sơ thẩm.


Cuối năm 2015, đầu năm 2016, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên án phạt bị cáo Lương 30 năm tù giam, 17 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 30 tháng tù đến 30 năm tù giam. Trong số đó có 13 bị cáo nguyên là các cán bộ của Ngân hàng, 4 bị cáo nguyên là cán bộ hải quan và 1 giám đốc doanh nghiệp. Các bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau khi án sơ thẩm tuyên, bị cáo Lương và bị cáo Nguyễn Thị Thúy Hằng (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Hà Tây) đã làm đơn kháng cáo kêu oan. 16 bị cáo khác làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lê Minh Hiếu (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vietmade và Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam, cổ đông Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam) đã xin rút kháng cáo.

Tại phiên khai mạc sáng 16/12, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tiến hành kiểm tra căn cước các bị cáo. Bị cáo Đỗ Tiến Long (nguyên cán bộ phòng Tín dụng, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) có đơn xin xét xử vắng mặt vì đang điều trị trong Bệnh viện K (Hà Nội). Trong đơn, bị cáo Long đã xác nhận những lời khai trước đây của bị cáo là đúng sự thật và xin giữ nguyên lời khai. Tòa đã tiến hành xác minh tại bệnh viện K. cho thấy: Bị cáo Long nổi hạch ở cổ, bị cáo có u ung thư, đã bị liệt nửa người, hiện đang nằm điều trị tại Bệnh viện K. Việc kiểm tra có sự chứng kiến của vợ và luật sư của bị cáo Long. Vì vậy, Tòa đã đồng ý cho phép bị cáo Long được xét xử vắng mặt.

Theo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội kết luận: Đối tượng Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada) cùng với 4 người quốc tịch nước ngoài giữ các vai trò, chức trách quan trọng tại Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Chi nhánh Ngân hàng Agribank Nam Hà Nội thông qua việc lừa ngân hàng để vay tiền rồi chuyển ra nước ngoài mua nguyên liệu. Các đối tượng đã lập hồ sơ khống vay vốn mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu không có thật để vay vốn ngân hàng rồi chiếm đoạt số tiền được xác định gần 2.500 tỷ đồng.

Bị cáo đầu vụ trong vụ án này là Phạm Thị Bích Lương đã bị Tòa cấp sơ thẩm xác định: Từ tháng 8/2008 đến tháng 8/2012, Lương là người ký đề nghị Hội đồng quản trị nâng quyền phán quyết cho vay, ký hợp đồng thế chấp, phê duyệt cho vay, giải ngân các khoản mà chi nhánh đã cho vay đối với Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam, Công ty cổ phần Vietmade, Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam.

Bị cáo Lương đã chỉ đạo lập hồ sơ đề nghị nâng quyền phán quyết cho vay đối với Công ty Lifepro Việt Nam hoàn toàn không có căn cứ, thực tế không thẩm định mà chỉ dựa trên thông tin do doanh nghiệp cung cấp. Đồng thời, Lương còn chỉ đạo và trực tiếp tham gia quá trình thẩm định, giải ngân đối với Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam, cố tình bỏ qua các điều kiện giải ngân cho vay theo các Nghị quyết số 62 (ngày 7/4/2011) và Nghị quyết số 77 (ngày 29/4/2011) của Hội đồng quản trị Ngân hàng Agribank Việt Nam, để xin cấp nguồn cho vay ngoại tệ ngoài kế hoạch trái với 2 Nghị quyết trên. Ngoài ra, Lương còn không tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng vốn sau cho vay nên không phát hiện việc ngân hàng bị lừa đảo trong giai đoạn cho vay đối với Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Bích Lương 30 năm tù giam về hai tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phạm Thị Bích Lương đã kêu oan và kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Trong phần trình bày của mình, bị cáo Lương không đồng tình với tội danh mà Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã quy kết. Bị cáo Lương cho rằng đã làm đúng chức trách nhiệm vụ, có chăng cái sai ở đây chỉ là thiếu trách nhiệm.

Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 1 tuần./.

Theo TTXVN/Vietnam+