Minh bạch thẩm định chuẩn nông thôn mới

Kinh tế - Ngày đăng : 07:07, 16/12/2016

(HNM) - Hà Nội đang tiến hành chấm điểm 58 xã đã nộp hồ sơ đề nghị thẩm định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016...

Hệ thống kênh mương tại xã Đồng Thái, huyện Ba Vì được đầu tư xây dựng theo chương trình nông thôn mới. Ảnh: Thế Duyệt


Nhiều xã đủ điều kiện

Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) Vũ Xuân Thao cho biết, nét nổi bật trong triển khai xây dựng NTM ở địa phương là đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Sau dồn điền đổi thửa, xã Xuân Sơn có 16 trang trại chăn nuôi lợn, gà cho doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng/trang trại trở lên. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 33 triệu đồng/người/năm. Xuân Sơn đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng nông thôn theo tiêu chí NTM và kết quả chấm điểm NTM của Tổ công tác thành phố, xã được 95,5/100 điểm, đủ điều kiện đạt chuẩn NTM.

Trong quá trình chấm điểm, Tổ công tác thành phố đã trừ 4,5 điểm của xã Xuân Sơn do các tiêu chí hộ nghèo, thủy lợi, môi trường và an ninh trật tự chưa đạt 100%. “Căn cứ vào hướng dẫn chấm điểm NTM của thành phố, tỷ lệ hộ nghèo dưới 2% được 5 điểm; tỷ lệ hộ nghèo từ 2 đến 4% được 3 điểm và trên 4% không được điểm. Hiện Xuân Sơn còn 102 hộ nghèo/2.228 hộ gia đình, chiếm tỷ lệ 3,2% nên chỉ được 3 điểm” - ông Lê Thiết Cương, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM thành phố giải thích.

Trong hai ngày 12 và 13-12, Tổ công tác của thành phố đã chấm điểm tại 6 xã thuộc 3 huyện, thị xã (Hoài Đức, Ba Vì và Sơn Tây). Kết quả, cả 6/6 xã đều đủ điều kiện để công nhận xã đạt chuẩn NTM với trên 95/100 điểm và không có điểm liệt. Theo ông Lê Thiết Cương, mặc dù Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17-10-2016 về Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020, tuy nhiên do bộ, ngành liên quan chưa ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể nên Hà Nội vẫn đánh giá chấm điểm NTM theo hướng dẫn cũ. Qua đánh giá, chấm điểm NTM cho thấy, các địa phương đã triển khai bám sát vào hướng dẫn của thành phố về chấm điểm tiêu chí NTM. Các xã vừa chấm điểm NTM có kết quả khá đồng đều, đời sống của người dân được nâng cao... Ví như xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, thu nhập bình quân của người dân đạt 36 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, tại 6 xã chấm điểm vừa qua vẫn còn một số tiêu chí bị trừ điểm nhiều tập trung chủ yếu là tiêu chí về môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi, hộ nghèo… bị trừ từ 0,5 đến 2 điểm/tiêu chí…

Công khai, dân chủ trong đánh giá

Tại các hội nghị chấm điểm NTM của từng xã, Tổ công tác thành phố đều mời đại diện nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Tổ công tác cho điểm đối với các xã căn cứ trên hướng dẫn chấm điểm thực tế và trên cơ sở người dân đồng tình, không còn ý kiến trái chiều. Bí thư Chi bộ thôn Văn Khê, xã Xuân Sơn Giang Văn Sâm cho biết: Khi xã hoàn thiện hồ sơ trình cấp trên công nhận xã đạt chuẩn NTM, cán bộ xã có đến các thôn họp dân và bà con đồng tình cao.

Về thẩm định kết quả xây dựng NTM của các xã, đại diện các thôn trong xã cũng tham gia ý kiến nếu thấy chưa đồng tình. Như tại xã Xuân Sơn, khi đánh giá tiêu chí an ninh trật tự xã hội, ban đầu thành viên Tổ công tác thành phố đề nghị trừ 1 điểm do xã còn để xảy ra tình trạng có lúc người dân ngăn chặn không cho xe chở rác vào bãi rác Xuân Sơn. Một số ý kiến cho rằng, trừ điểm như vậy là chưa thuyết phục do bãi rác Xuân Sơn là bãi rác của thành phố, vì ô nhiễm nên người dân mới phải làm vậy. Vì vậy, rất cần thành phố quan tâm hơn đến việc bảo đảm ô nhiễm môi trường để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Lắng nghe ý kiến nhân dân khi đánh giá, chấm điểm NTM để công tác chấm điểm sát thực hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Xây dựng NTM mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, kéo gần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, và Hà Nội triển khai xây dựng NTM trên tinh thần dân biết, dân làm, dân bàn và dân hưởng lợi và được nhân dân đồng tình cao.

Nguyễn Mai