Hoạt động giám sát, phản biện xã hội: Góp phần giải quyết nhiều vấn đề thiết thực

Đời sống - Ngày đăng : 07:29, 17/12/2016

(HNM) - Giám sát, phản biện xã hội là hoạt động được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội TP Hà Nội tích cực thực hiện trên tinh thần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần giải quyết nhiều vấn đề thiết thực trong đời sống dân sinh, cũng như tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đây là kết quả thu được sau gần 3 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TƯ và Quyết định số 218-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI).

Cán bộ Mặt trận Tổ quốc phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, giám sát việc cải tạo một công trình văn hóa. Ảnh: Bá Hoạt


Chọn vấn đề trọng tâm, thiết thực

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định 218-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị ban hành Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; các cấp MTTQ Việt Nam và các đoàn thể đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện.

Qua 3 năm, MTTQ TP Hà Nội và các cấp đã tổ chức hàng trăm hội nghị phản biện xã hội, qua đó phát huy ý thức trách nhiệm tham gia của các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, các tổ chức nhân dân đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào việc xây dựng chủ trương, đường lối của chính quyền. Hoạt động giám sát của MTTQ được thể hiện thông qua các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ). Năm 2016, các Ban Thanh tra nhân dân, Ban GSĐTCCĐ tại cơ sở đã giám sát 5.642 cuộc, đề nghị thu hồi 23.3318m2 đất và 72,9 triệu đồng về cho Nhà nước.

MTTQ và các đoàn thể cũng luôn quan tâm lựa chọn vấn đề giám sát phù hợp với nhiệm vụ của thành phố và địa phương. Điển hình, Hội Cựu chiến binh (CCB) quận Hoàn Kiếm đã giám sát các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của cấp ủy và chính quyền về Năm trật tự và văn minh đô thị của thành phố. Qua 3 năm, Hội CCB quận đã thực hiện hơn 50 lượt giám sát đối với 32 tuyến phố và 5 khu vực trọng điểm. Từ đây, Hội CCB Quận đã phát hiện, đánh giá và kiến nghị các cơ quan chức năng khắc phục những hư hỏng, lún sụt, bong tróc trên đường dạo quanh hồ Hoàn Kiếm. Từ chỗ phát hiện gần 100 điểm hư hỏng, xuống cấp trên đường quanh hồ Hoàn Kiếm vào năm 2013, năm 2015 tình trạng này giảm xuống còn 30 điểm và đến tháng 11-2016, toàn bộ các điểm hư hỏng trên vỉa hè quanh hồ đã được sửa chữa xong. Chủ tịch Hội CCB quận Hoàn Kiếm Trương Nghị chia sẻ: “Khi giám sát, phát hiện thấy có vấn đề thì phải kiến nghị và kiên trì theo đuổi đến khi vấn đề được khắc phục, giải quyết”.

Tại huyện Đan Phượng, MTTQ, đoàn thể các cấp quan tâm giám sát đối với vấn đề trọng tâm hiện nay là công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”. Năm 2016, MTTQ huyện đã giám sát về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân, bảo đảm mục tiêu 3 giảm (số lần đi lại, hồ sơ thủ tục, thời gian giải quyết). Qua đó thúc đẩy chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nâng cao chất lượng phục vụ, kết quả đã cấp mới, cấp đổi 19.060 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó đất ở đạt 90%, đất nông nghiệp đạt 97%. Tại huyện Thanh Trì, Ban Thanh tra nhân dân các xã, thị trấn làm tốt các hoạt động giám sát đối với 152 vụ việc, phát hiện 39 vụ vi phạm, kiến nghị giải quyết 38 vụ việc. Các Ban Thanh tra nhân dân đã phối hợp với UBND và các ngành chức năng hòa giải thành đạt tỷ lệ 94,5%.

Xác định rõ trách nhiệm

Cán bộ Ủy ban MTTQ huyện ứng Hòa triển khai kế hoạch phối hợp xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Bá Hoạt


Mục đích của Quyết định 217-QĐ/TƯ và Quyết định 218-QĐ/TƯ là nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Vì thế, chính quyền cơ sở nhiều nơi trên địa bàn thành phố đã rất chú trọng tạo điều kiện để công việc này đạt kết quả tốt thông qua các giải pháp như: công khai về tổ chức, hoạt động, quy chế làm việc, danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị, trong đó có triển khai lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về xây dựng đời sống văn hóa.

Tại huyện Đan Phượng, UBND, các hội nghị nhân dân ở thôn, cụm dân cư, khu phố đã có 13.025 đại diện hộ gia đình dự họp (đạt 70,1%) với 753 lượt ý kiến đóng góp. Tinh thần này cũng thấm nhuần tại nhiều quận, huyện khác như: Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thạch Thất… thể hiện qua việc cung cấp thông tin minh bạch theo quy định của pháp luật về các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân: “Việc bố trí hòm thư góp ý, công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị; đặc biệt là nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, trung thực khách quan những kiến nghị của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền quận, phường”.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn cơ quan, đơn vị chưa coi trọng đúng mức công tác phản biện xã hội nên việc lấy ý kiến đóng góp, kiến nghị đối với dự thảo chủ trương, chính sách của địa phương, đơn vị chưa đạt hiệu quả cao. Một hạn chế khác là đội ngũ cán bộ MTTQ ở cơ sở hầu hết là cán bộ về hưu, tuổi cao, làm kiêm nhiệm. Chưa kể, không ít thành viên tham gia nhóm giám sát chưa được đào tạo bài bản...

Thực tế trên cho thấy, các cấp ủy đảng cần quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ phù hợp làm công tác Mặt trận và các đoàn thể; có cơ chế phù hợp huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát, phản biện. Theo Trưởng phòng Đoàn thể và các hội quần chúng (Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội) Hồ Minh Tâm, để thực hiện hiệu quả các Quyết định 217-QĐ/TƯ và Quyết định 218-QĐ/TƯ, cần xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức.

Trong đó, cấp ủy vừa có vai trò chỉ đạo song cũng là đối tượng được giám sát. Cấp ủy, chính quyền phải định kỳ tổ chức đối thoại lắng nghe các ý kiến nhân dân, thực hiện tốt cơ chế tiếp thu, giải quyết các ý kiến đóng góp và phân công cán bộ chuyên theo dõi các nội dung góp ý của nhân dân. Đây là một trong những giải pháp để việc thực hiện hai quyết định quan trọng nêu trên đạt hiệu quả cao hơn nữa. 

Phong Thu