Phối hợp quản lý an toàn thực phẩm: Thiếu thông tin, chưa chặt chẽ
Đời sống - Ngày đăng : 07:59, 17/12/2016
Sản phẩm lúa, gạo Điện Biên được bán tại Hà Nội. Ảnh: Mạnh Hà |
Hiệu quả chưa tương xứng
Tính đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ký kết chương trình hợp tác với 21 tỉnh, thành phố để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất lượng ATTP và các mô hình sản xuất tiêu biểu trong phối hợp tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, các tỉnh giới thiệu những sản phẩm đặc trưng vùng, miền, ký kết hợp đồng với DN Hà Nội. Hiện phía TP Hà Nội đã xây dựng thành công hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho 550 dòng nông sản an toàn khi tiêu thụ tại Hà Nội.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết: Thực hiện chương trình lấy mẫu giám sát sản phẩm của các tỉnh đưa về Hà Nội, năm 2016, Chi cục đã lấy 827 mẫu sản phẩm nông nghiệp, đến nay có kết quả kiểm nghiệm 679 mẫu, trong đó có 119/679 mẫu phát hiện vi phạm chỉ tiêu ATTP (chiếm 17,5%). Các mẫu vượt ngưỡng đã được Chi cục thông báo kịp thời cho các tỉnh để điều tra và có giải pháp khắc phục. Kết quả phối hợp giữa Hà Nội với các tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mỗi địa phương. Thông tin về một số cơ sở kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản do các tỉnh cung cấp luôn thay đổi, chưa cập nhật kịp thời...
Bên cạnh đó, một phần do các tỉnh, thành phố chưa có bộ phận chuyên môn làm công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp nên khó khăn cho công tác phối hợp. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La Hà Quyết Nghị cho biết, mặc dù các loại nông sản đưa về Hà Nội của tỉnh có tăng nhưng còn thấp so với khả năng cung ứng của các DN, HTX trên địa bàn. Ngoài ra, công tác tổng hợp cung cấp thông tin thị trường, sản lượng hàng hóa nông sản ra vào giữa các tỉnh với Hà Nội và ngược lại không được thường xuyên nên rất ít hợp đồng được ký kết. Cũng do còn thiếu sự hỗ trợ cần thiết cho DN cung cấp nông sản an toàn nên cả nông dân và DN chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, trước nhu cầu tiêu dùng sản phẩm ngày càng đa dạng và yêu cầu chất lượng cao của người dân về công tác bảo đảm ATTP, minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, bao bì nhãn mác hàng hóa nông sản, việc hợp tác, xây dựng chuỗi liên kết, kết nối giao thương nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố là rất cần thiết. Hiện nay, Tết Nguyên đán Đinh Dậu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, nông sản sạch tăng cao. Đây cũng là dịp thương lái lợi dụng, trà trộn sản phẩm không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc. Do đó, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước phải tập trung mọi nguồn lực, tăng cường kiểm tra giám sát bảo đảm các nguồn hàng cung cấp để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.
Năm 2017, Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác quản lý ATTP đối với tất cả các mặt hàng đưa về Thủ đô tiêu thụ. Tại các chợ đầu mối, chợ bán buôn nông sản hàng hóa, cần thành lập đội liên ngành kiểm tra chất lượng, thống kê đầu vào, đầu ra, nguồn hàng của các tỉnh, qua đó sẽ truy xuất được nguồn gốc nông sản thực phẩm an toàn. Hà Nội sẽ hỗ trợ 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm, tuần lễ nhận diện sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền để DN của thành phố cũng như các tỉnh có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng tiêu thụ.
Tuy nhiên, Hà Nội đề xuất các tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ sản xuất cho nông dân hình thành những vùng quy mô lớn, bền vững, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương, đặc sản vùng miền, bảo đảm an toàn để cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô. Đồng thời, cung cấp thông tin chính xác về địa chỉ, điện thoại, người đại diện của cơ sở sản xuất tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm an toàn tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát kiểm tra chất lượng sản phẩm trên thị trường.