Bài 1: Vẹn nguyên ký ức hào hùng

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:23, 17/12/2016

(HNM) - LTS: Mùa Đông năm 1946, hưởng ứng Lời hiệu triệu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc bằng những loạt đại bác từ Pháo đài Láng, chính thức bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần “Sống chết với Thủ đô”.

Ảnh trên: Cuộc giao lưu “Ký ức Hà Nội - Mùa đông năm 1946”. Ảnh: Mạnh Hùng


Những con người đã sống, chiến đấu và trở thành một phần lịch sử của mùa Đông năm ấy đã nhất tề đứng lên, thực hiện lời thề sắt son: “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, tạo nên bản hùng ca bất tử. Và hôm nay chính những con người ấy vẫn là tấm gương, là niềm cảm hứng vô tận cho thế hệ trẻ noi theo, với khát vọng cùng dựng xây một Hà Nội tiếp nối truyền thống anh hùng, năng động, sáng tạo trên con đường phát triển.

Sự kiện Toàn quốc kháng chiến lùi xa 70 năm, Thủ đô hôm nay đã khoác lên mình màu áo mới. Những tên phố năm xưa ghi dấu các trận đánh oai hùng của quân và dân Hà Nội nay đã thành di tích của một thời oanh liệt “Hà Nội vùng đứng lên”. Những người trực tiếp làm nên chiến thắng ngày nào giờ đều ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm”, thậm chí nhiều người đã về với tiên tổ. Thế nhưng, trong trí nhớ của những người còn ở lại, ký ức “60 ngày đêm khói lửa” mùa Đông năm 1946 vẫn vẹn nguyên…

Những người giữ lời thề độc lập

Đại tá Nguyễn Mạnh Hải, năm nay 93 tuổi, tóc bạc phơ nhưng da dẻ vẫn hồng hào và giọng nói mạch lạc. Quê ở Từ Sơn (Bắc Ninh) nhưng từ nhỏ ông đã ra Hà Nội ở với chú ruột. Tham gia Vệ quốc đoàn đầu năm 1946, đến ngày 19-12-1946, khi Bác Hồ kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, ông Hải cùng những chiến sĩ Vệ quốc đoàn đã chiến đấu với tinh thần “quyết tử” để giữ Hà Nội. “Lúc ấy, mỗi nhà thành một pháo đài, mỗi phố là một chiến tuyến, mỗi người dân đều là chiến sĩ. Những ngôi nhà được đục tường thông nhau tạo thành một đường hầm xuyên suốt chạy dọc các phố để đánh địch. Khi lính Tây phát hiện, chúng đuổi theo, nhưng vì người to quá nên chui chỉ qua được một nửa là mắc lại, kêu oai oái…” - Đại tá Nguyễn Mạnh Hải hào hứng nhớ lại.

Chung dòng cảm xúc ấy, Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô, trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu 60 ngày đêm khói lửa, cho biết: “Ngày đó, vũ khí thiếu và thô sơ lắm! Để chống trả quân Pháp, các chiến sĩ tự vệ đã sáng tạo ra nhiều loại vũ khí, trong đó có thành lập nhóm “bắn tỉa săn Tây” bằng cách tận dụng đạn moóc-chi-ê của địch bắn không nổ, khoan thân đạn để đặt kíp nổ và dây cháy chậm, dùng cách đốt tấn công các điểm chốt giữ của địch”. Để tiết kiệm đạn dược, các chiến sĩ ta đã dựng pháo ném, pháo đùng thay tiếng nổ lựu đạn hoặc cho các bánh pháo vào thùng sắt tây đốt giả tiếng súng liên thanh. Mỗi lần như thế địch bắn trọng liên như đổ đạn nhưng chẳng sát thương được chiến sĩ nào. Hay như việc sử dụng bom ba càng - một vũ khí hình nón, có thể phá hủy xe tăng, dù phản lực phía sau sẽ làm người đâm hy sinh, thế nhưng luôn có rất nhiều người xung phong.

Trong những ngày quân và dân Hà Nội chiến đấu bảo vệ Thủ đô, Đại tá Vũ Tâm, Trung đội trưởng của Tiểu đoàn Quyết tử 101, Trung đoàn Thủ đô được giao nhiệm vụ cùng đồng đội chiến đấu tại trận địa chợ Đồng Xuân (thuộc Liên khu I) - một trong những trận địa ác liệt nhất lúc bấy giờ. Các chiến sĩ của Tiểu đoàn Quyết tử 101 xác định “4 tại chỗ”: Ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ, chiến đấu tại chỗ và nếu hy sinh sẽ chôn tại chỗ. “Xác định như vậy nên chúng tôi chiến đấu rất anh dũng. Đồng đội tôi là Đỗ Văn Thìn đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trên trận địa chợ Đồng Xuân. 43 năm sau, khi chợ Đồng Xuân được xây dựng lại người ta đã tìm thấy hài cốt của anh ấy cùng với một quả lựu đạn chưa kịp nổ…” - Đại tá Vũ Tâm kể trong xúc động. Bên cạnh những hy sinh mất mát đó, Đại tá Vũ Tâm vẫn không quên nét hào hoa của người Hà Nội trong chiến đấu: “Vào trận dũng cảm là vậy nhưng khi Tết đến, chị em phụ nữ vẫn mặc áo dài dạo phố và cài sẵn quả lựu đạn bên mình với tinh thần sẵn sàng chiến đấu!”.

Tình yêu Hà Nội - Vũ khí mạnh nhất

Ảnh bên: Các nhân chứng lịch sử tham gia.


Thượng tá Trần Thịnh, sinh năm 1930 ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh (Hoài Đức) trở thành tự vệ chiến đấu và sau là chiến sĩ trong đội hình của Trung đoàn Thủ đô đúng ngày 19-12-1946. Ông Thịnh nhớ năm 1946, khi đó mới 16 tuổi: “Đêm 19-12, tôi được dẫn lên gặp anh Trang, Đại đội trưởng Đại đội Tự vệ khu phố Lò Đúc. Anh Trang giao nhiệm vụ cho tôi chuyển mệnh lệnh đến Trung đội trưởng Cát Văn Xoan đang chiến đấu ở Nhà hát Lớn. Anh hướng dẫn tôi cách thức di chuyển sao không bị lộ, không để quân Pháp bắt và bằng mọi giá phải hoàn thành nhiệm vụ. Dưới những làn đạn của cả ta và địch, tôi tìm mọi cách chuyển mệnh lệnh đến nơi nhanh nhất. Nhiệm vụ hoàn thành, tôi chính thức trở thành liên lạc của Đại đội từ ngày ấy”.

60 ngày đêm chiến đấu, quân dân Hà Nội đã đánh bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của địch, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương lân cận có thời gian huy động lực lượng đối phó âm mưu đánh chiếm của thực dân Pháp, đồng thời động viên và cổ vũ nhân dân cả nước đi vào cuộc kháng chiến lâu dài. Đây là một trong những trang sử chói lọi của thời đại Hồ Chí Minh. Ông Lê Đức Vân, Trưởng ban Liên lạc các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu, nhớ lại: Trong 60 ngày đêm chiến đấu, ta đã tiêu diệt 2.000 tên địch, phá hủy hàng chục xe cơ giới. Qua chiến đấu, lực lượng vũ trang Thủ đô không những được bảo toàn mà còn phát triển, từ 5 tiểu đoàn Vệ quốc quân lúc mới nổ súng, sau hơn hai tháng đã xây dựng thành 3 trung đoàn. Quân dân Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, kìm chân địch 2 tháng (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947) trong thành phố, gấp đôi thời gian Trung ương giao cho Thủ đô. Chiến thắng đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm nhớ lại: Đêm 17-2-1946, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lệnh cho Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội, chỉ để lại 500 người phòng thủ ở nội thành nhằm bảo toàn lực lượng và chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài. Thế nhưng sau rút đi thì vẫn còn 1.200 người, do nhiều chiến sĩ tự động trốn ở lại để được tiếp tục chiến đấu, quyết không rời trận tuyến. Những người nhận lệnh rút đã tranh thủ viết vội những lời chia tay Hà Nội lên tường, lên bất cứ chỗ nào có thể viết được. Chiều tối ngày 17-2-1947, sau 2 tháng chiến đấu cầm chân quân Pháp tại Hà Nội, bảo vệ 38.000 người tản cư an toàn, Trung đoàn Thủ đô đã thực hiện thành công cuộc rút lui chiến lược ra khỏi vòng vây của quân Pháp với lời hẹn ngày về chiến thắng…
(Còn nữa)

Chí Kiên - Nguyên Hoa