Công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội
Xã hội - Ngày đăng : 06:19, 18/12/2016
Ông Nguyễn Trọng Ninh. |
Cung chưa đủ cầu
- Nhà ở công nhân tại Bình Dương hay mô hình Khu đô thị NƠXH Đặng Xá - Hà Nội mà Thủ tướng vừa tới thị sát được coi như mô hình kiểu mẫu với chất lượng cao, quy hoạch đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Thủ tướng cũng yêu cầu nhân rộng mô hình khu đô thị NƠXH ra cả nước. Thành công của mô hình này có được nhờ đâu, thưa ông?
- Để có được quỹ NƠXH chất lượng, giá thành hợp lý như Khu đô thị Đặng Xá hay nhà ở công nhân Bình Dương có ba yếu tố chính: Quyết tâm của chính quyền, chủ đầu tư; quỹ đất sạch để đầu tư; nguồn tài chính để thực hiện. Khu đô thị Đặng Xá - Hà Nội được triển khai đồng bộ hạ tầng, tiến độ xây dựng, bàn giao nhà nhanh; các chính sách hỗ trợ triển khai kịp thời… cho thấy nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền Hà Nội và chủ đầu tư. Hay tại Bình Dương, Tỉnh ủy Bình Dương đã có cả đề án xây dựng quỹ NƠXH. Becamex Bình Dương là doanh nghiệp (DN) của địa phương, đã hiện thực hóa quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương đã tạo được quỹ đất sạch để giao cho Becamex Bình Dương đầu tư nhà ở. Chính quyền tỉnh cũng dành nguồn vốn rất lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng để giao cho DN triển khai dự án.
- NƠXH được quy hoạch, thiết kế đồng bộ với giá bán ưu đãi là mơ ước của số đông người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, việc tiếp cận với những căn hộ này vẫn rất khó khăn bởi nguồn cung NƠXH quá thấp. Ông nhận xét gì về thực tế này?
- Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, 5 năm qua, chúng ta mới đáp ứng khoảng 37% nhà ở phục vụ các đối tượng có thu nhập thấp tại đô thị, công nhân lao động ở các khu công nghiệp (KCN). NƠXH chưa đáp ứng đủ nhu cầu có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do nhu cầu nhà ở cho công nhân KCN, các đối tượng thu nhập thấp tại khu đô thị rất lớn mà chúng ta chưa có đủ nguồn lực để đáp ứng. Thứ hai, các DN kinh doanh bất động sản chưa thực sự mặn mà tham gia các dự án NƠXH vì lợi nhuận định mức theo quy định chỉ 10%, thấp hơn lợi nhuận nhà ở thương mại. Nguyên nhân thứ ba là do một số thủ tục hành chính của địa phương, từ thẩm định, phê duyệt dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư… còn gây khó cho DN khi thực hiện dự án. Nguyên nhân thứ tư, rất quan trọng, là nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn hạn chế. Nếu DN phải vay vốn thương mại thì giá nhà rất cao, người lao động không thể chi trả tiền mua hoặc thuê nhà. Cho nên, yêu cầu bắt buộc phải có hỗ trợ lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, thời gian qua vốn hỗ trợ vẫn còn hạn chế, dẫn đến nguồn cung về NƠXH, đặc biệt là nhà ở thu nhập thấp trong khu đô thị và nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng nhu cầu.
Vẫn cần chính sách tài chính hỗ trợ
- Vậy theo ông, làm thế nào để bảo đảm có được những công trình NƠXH giá vừa rẻ, chất lượng lại tốt, hợp lý với người nghèo và công nhân?
- Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển NƠXH vừa diễn ra, Thủ tướng cũng đã có kết luận về đẩy mạnh phát triển nhà cho công nhân KCN, người lao động tại các khu đô thị. Thứ nhất, phải có nguồn vốn ưu đãi tiếp theo gói 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân vay, có điều kiện mua, thuê nhà ở. Thứ hai, giúp cho DN có nguồn vốn ban đầu để triển khai thực hiện dự án. Thứ ba, chính quyền các địa phương phải thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, tạo quỹ đất sạch để giúp cho các nhà đầu tư, các DN tham gia phát triển NƠXH cho công nhân. Thứ tư, phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các thủ tục không cần thiết để giúp các nhà đầu tư, các DN đẩy nhanh tiến độ xây dựng NƠXH. Giải pháp tiếp theo là chính quyền các địa phương phải tạo điều kiện hỗ trợ hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng ngoài hàng rào cho các dự án nhà ở công nhân KCN, cũng như các công trình phúc lợi xã hội như: Nhà trẻ, trường học, y tế, công trình thể dục, thể thao… giải quyết chỗ ở ổn định, giúp công nhân được hưởng công trình phúc lợi công cộng.
- Để tạo quỹ NƠXH thì cần 2 yếu tố quan trọng là vốn và quỹ đất. Thế nhưng, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã kết thúc khiến nguồn vốn hỗ trợ các dự án NƠXH không còn nữa. Khó khăn này sẽ được giải quyết ra sao, thưa ông?
- Bộ Xây dựng đã nhiều lần có văn bản báo cáo Chính phủ, gửi các bộ, ngành có liên quan như: Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính để sắp xếp, bố trí nguồn vốn hỗ trợ NƠXH cho giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là NƠXH chưa được ghi trong danh mục đầu tư công trung hạn tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Quyết định của Thủ tướng. Cho nên, việc bố trí nguồn vốn bước đầu đang gặp khó khăn. Nhưng theo chỉ đạo của Thủ tướng, sắp tới sẽ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền bổ sung danh mục hỗ trợ NƠXH trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để hỗ trợ các dự án, cũng như người có nhu cầu thuê, mua NƠXH được vay ưu đãi.
Nhiều doanh nghiệp tham gia, nguồn cung sẽ được cải thiện
- Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương tiên phong phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân thuê. Vừa rồi, tại hội nghị trực tuyến, Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung phát triển nhà ở cho công nhân KCN. Để người nghèo, người thu nhập thấp, công nhân KCN có được một chỗ ở đạt chất lượng với một không gian sống có tiện ích, tới đây các địa phương sẽ phải chú trọng điều gì, thưa ông?
- Để có quỹ NƠXH đáp ứng cho các đối tượng khó khăn theo cơ chế chính sách đã ban hành thì trước hết các địa phương phải dành quỹ đất sạch 20% cũng như bố trí, bổ sung các quỹ đất đặc biệt tại các KCN chưa sử dụng hết để chuyển đổi sang đất ở, xây dựng nhà ở cho công nhân theo tinh thần của Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH.
Thứ hai, trong quá trình phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở cho công nhân cần phải quan tâm đến vấn đề đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cuộc sống của công nhân và gia đình của họ.
Thứ ba, chính quyền địa phương cần hỗ trợ về hạ tầng để khuyến khích DN đầu tư, góp phần giảm giá nhà ở cho công nhân. Nếu các dự án đầu tư với chi phí lớn, giá thành cao thì với thu nhập hạn hẹp, công nhân các KCN rất khó để thuê, mua nhà ở xây dựng theo dự án. Họ sẽ phải tiếp tục sống trong những khu nhà trọ, chất lượng thấp. Vì vậy cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng thì mới có thể giải quyết được vấn đề nhà ở cho công nhân KCN.
- Nghị định về phát triển NƠXH đã quy định rất rõ, đối với nhà ở tại các đô thị loại 3 với diện tích hơn 20ha thì phải dành quỹ đất 20% để phát triển NƠXH. Tuy nhiên, nhiều dự án chuyển đổi sai và sử dụng sai quỹ đất này. Vấn đề này tới đây sẽ được xử lý ra sao?
- Cơ chế dành tỷ lệ quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH là yêu cầu bắt buộc đối với các dự án nhà ở thương mại, cũng như các khu đô thị mới đã được quy định trong Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương phải thực hiện nghiêm các quy định này và có chế tài xử lý các DN không dành quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH. Ngoài ra, theo pháp luật về đất đai, thực hiện không đúng mục đích, sử dụng sai quy định về sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cũng sẽ bị xử lý...
Như vậy, hệ thống pháp luật của Nhà nước liên quan đến quy hoạch, đất đai đến nhà ở đều có chế tài cụ thể để xử phạt các trường hợp không dành quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH.
- Vừa qua, nhiều DN lớn, có thương hiệu đã thể hiện quyết tâm tham gia xây dựng NƠXH, nhà ở thương mại giá rẻ. Cùng với quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực của địa phương và sự tham gia của DN, liệu có thể kỳ vọng nguồn cung NƠXH thời gian tới sẽ được cải thiện, thưa ông?
- Tôi hy vọng thông tin về các dự án NƠXH, nhà ở thương mại giá rẻ mà một số DN lớn vừa công bố sẽ trở thành hiện thực. Bởi, khi có nhiều DN sẵn sàng tham gia đầu tư NƠXH thì nguồn cung chắc chắn sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, để các dự án đã công bố vận hành tốt và sớm đi vào triển khai, việc thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng, thủ tục hành chính hay những quy định của pháp luật được thực thi ở địa phương cần phải công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN. Cùng với những cơ chế ưu đãi, các chính sách pháp luật hiện có, chủ đầu tư các dự án NƠXH sẽ có điều kiện triển khai nhiều dự án có chất lượng tốt trong thời gian sớm nhất.
- Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!