Bắt đầu từ chuẩn hóa đào tạo

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:51, 18/12/2016

(HNM) - Cuối tuần này diễn ra hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ V - 2016. Sau lần tổ chức thứ IV vào năm 2012, với chủ đề “Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững”, hội thảo năm nay có chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”.


Nhìn vào nội dung hội thảo, có thể thấy rõ tính quan trọng nói trên, không chỉ về những kiến giải xu hướng, giải pháp phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, mà còn đối với chính sự phát triển Ngành Việt Nam học ở trong nước. Các vấn đề được nêu ra tại hội thảo mang tầm chiến lược, thiết thực, như chuyển giao tri thức công nghệ, biến đổi khí hậu, văn hóa với ý nghĩa nguồn lực phát triển bền vững, hợp tác và hội nhập quốc tế… Ý nghĩa thiết thực của hội thảo này cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam học đối với sự phát triển của đất nước, đặt ra yêu cầu “chuẩn hóa” khái niệm “Việt Nam học”, đối tượng và phương pháp nghiên cứu, chương trình đào tạo.

Với sự phát triển của Ngành Việt Nam học có đối tượng nghiên cứu chung là đất nước và con người Việt Nam, yêu cầu nói trên là có cơ sở bởi hiện nay, nhiều nơi có cách hiểu về đào tạo và nghiên cứu Việt Nam học khác nhau.

Cả nước hiện có gần 90 cơ sở giáo dục có đào tạo Ngành Việt Nam học hoặc liên quan tới Việt Nam học, tuy nhiên, mục tiêu, chương trình và phương pháp giảng dạy ở mỗi nơi vẫn có sự khác dù Bộ GD-ĐT đã ban hành Khung chương trình đào tạo cử nhân Việt Nam học. Nhiều nơi theo đuổi mục tiêu cung cấp kiến thức để người học đáp ứng nhu cầu công tác trong lĩnh vực cụ thể như du lịch, văn hóa, kinh tế… Giáo trình đào tạo chuyên ngành được đưa vào giảng dạy cho sinh viên dù mã Ngành Việt Nam học đòi hỏi trang bị cho người học kiến thức toàn diện về đất nước, con người Việt Nam, tạo ra các chuyên gia có khả năng vận dụng tốt kỹ năng nghiên cứu đa ngành để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Phông kiến thức đó hình thành thông qua sự bồi bổ hiểu biết về ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, văn hóa, phong tục tập quán… chứ không thể là hiểu biết về một lĩnh vực cụ thể dù là chuyên sâu. Đó là chưa kể khó khăn khác trong công tác đào tạo Ngành Việt Nam học, như về đội ngũ giáo viên gồm nhiều người “dạy tay trái”, có kinh nghiệm giảng dạy chuyên ngành hẹp chứ không phải Việt Nam học.

Việt Nam học là một ngành mới mẻ tại Việt Nam, không tránh khỏi cảnh chập chững, cách hiểu không phù hợp về đào tạo, nghiên cứu. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tầm quan trọng của ngành đào tạo/nghiên cứu này đối với sự phát triển, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, thậm chí là cải cách cho phù hợp, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo. Hiện nay, điều quan trọng là rà soát nội dung, chương trình giảng dạy tại các cơ sở giáo dục có đào tạo Việt Nam học nhằm hạn chế tình trạng một mã ngành Việt Nam học nhưng có nhiều chương trình giảng dạy khác nhau, không có khả năng trang bị cho người học phông kiến thức, sự hiểu biết toàn diện về đất nước và con người Việt Nam.

Trong bối cảnh việc mở Ngành Việt Nam học đang diễn ra sôi động, quá trình rà soát đó cho phép loại bỏ hiện tượng “núp bóng” Việt Nam học nhằm mục đích chiêu sinh, làm sai lệch cách hiểu về một ngành đào tạo ngày càng rõ sự quan trọng. Ngoài ra, cần có giải pháp nhằm tăng cường chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác giảng dạy Việt Nam học, bao gồm đào tạo và đào tạo lại.

Dục Tú