Nghiên cứu thúc đẩy tiến trình phát triển

Giáo dục - Ngày đăng : 05:55, 18/12/2016

(HNM) - Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ V quy tụ nhiều học giả trong nước và quốc tế đã bế mạc ngày 16-12. Đây là một sinh hoạt khoa học được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn học thuật thảo luận và đề xuất giải pháp góp phần giải quyết các vấn đề đương đại của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi toàn cầu, phục vụ tiến trình

Chiến lược đào tạo nhân lực là một trong những giải pháp góp phần giải quyết các vấn đề đương đại của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.Trong ảnh: Một giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.Ảnh: Viết Thành



Tinh thần đổi mới


Với chủ đề chính là “Phát triển bền vững trong bối cảnh của biến đổi toàn cầu”, Giám đốc Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các nhà tổ chức đã nhấn mạnh tới việc nghiên cứu Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu, trong mối tương quan với thế giới. Hội thảo quy tụ đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tiến tới hình thành một tổ chức quốc tế về Việt Nam học mà ở đó Việt Nam đóng vai trò trung tâm. Đó cũng chính là tinh thần đổi mới của Hội thảo Việt Nam học lần thứ V.

Nếu các hội thảo trước đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thì hội thảo lần này đã đề cập đến chuyển giao tri thức, công nghệ và biến đổi khí hậu. Càng ngày chúng ta càng nhận rõ yếu tố tác động của công nghệ, khoa học hiện đại tới sự phát triển của Việt Nam. Cùng với đó, để phát triển bền vững thì không thể tách khỏi yếu tố môi trường. Đây là những vấn đề nóng đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam.

Theo GS-TS Vũ Minh Giang (nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội): Hội thảo lần này đề cập đến hàng loạt vấn đề thời sự của đất nước. Đó là việc nhận diện Việt Nam đang trong quá trình hội nhập như thế nào và bước đường mà Việt Nam sẽ đi tiếp; những vấn đề đặt ra khi văn hóa không còn chỉ là lĩnh vực của đời sống tinh thần mà văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững; những nội dung nghiên cứu về quá trình hội nhập về kinh tế của Việt Nam, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP; trong bối cảnh hiện nay thì lĩnh vực giáo dục - yếu tố quyết định sự thành công của quá trình đổi mới - sẽ đề cập đến các mô hình đào tạo, giúp thực hiện thành công đổi mới. Đặc biệt, chủ đề BĐKH tác động đến Việt Nam ra sao, định hướng để "sống chung" với biến đổi khí hậu cũng được thảo luận sâu.

Các học giả thuộc lĩnh vực ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế chỉ ra, bên cạnh mối quan hệ song phương với các nước lớn, Việt Nam đang xử lý tương đối có hiệu quả các mối quan hệ đa phương, trong đó phải kể đến quan hệ với hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vấn đề chủ quyền biển đảo cũng được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau. Một trong những khuyến cáo mới, quan trọng được đưa ra là cần phải đẩy mạnh “học thuật hóa Biển Đông”.

Bước phát triển mới của Ngành Việt Nam học

Trong số những chủ đề chính tại hội thảo, vấn đề phát triển văn hóa thời hội nhập luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học. Trong đó, đúc kết tổng hợp được rút ra từ các tham luận là để xây dựng thành công một chiến lược ngoại giao văn hóa, về lâu dài Việt Nam cần có sự đầu tư nhân lực, trí lực, tài lực một cách bài bản và toàn diện. Dưới chủ đề nguồn lực văn hóa, các học giả có nhiều đề xuất, tập trung vào các kiến nghị: Chính phủ cần sớm có một chương trình quốc gia nghiên cứu tổng thể về nguồn lực văn hóa Việt Nam để nguồn lực văn hóa làm tốt vai trò là động lực trong phát triển bền vững.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Mai, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Trước hết, đối ngoại của Việt Nam thông qua văn hóa cần coi văn hóa là phần thiết yếu trong ngoại giao quốc tế. Bản sắc dân tộc luôn thể hiện trong mọi hành động của các bên liên quan. Từ chính phủ, doanh nghiệp, sinh viên, người lao động đều giữ và thể hiện bản sắc riêng trong giao tiếp ứng xử ngoại giao mà thế giới có thể nhận ra được.

Nhà khoa học nữ Daria Miskhukova, Liên bang Nga, thành viên trẻ nhất của Đoàn chủ tịch, nêu ra vấn đề xây dựng thương hiệu du lịch của Việt Nam. Theo bà, Ngành Du lịch Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một biểu tượng mang tính thương hiệu để trở thành bí quyết thu hút khách quốc tế. Việc này phải trở thành một trong những mục tiêu của Ngành Việt Nam học, bên cạnh đó cần có sự đầu tư ở cấp chính phủ.

Các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước cũng đã đưa ra nhiều góc nhìn với những đánh giá, đề xuất mới. GS Paul Glewwe từ Trường ĐH Minnesota (Mỹ), bày tỏ sự ngạc nhiên khi phân tích về kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment- PISA) của Việt Nam. Theo ông, xếp hạng PISA có xu hướng tỷ lệ thuận với GDP của mỗi quốc gia và luôn có mối tương quan thuận chiều giữa kết quả PISA với mức độ sung túc. Tuy nhiên, Việt Nam lại có kết quả xếp hạng vượt lên nhiều nước có GDP cao hơn đáng kể. Trường hợp ngoại lệ này thách thức quan niệm cho rằng, quốc gia có trình độ kinh tế phát triển cao mới có nền giáo dục chất lượng.

Từ những tìm hiểu về sự đầu tư hộ gia đình cho giáo dục ĐH tại Đồng bằng sông Hồng, nhà nghiên cứu Phạm Thị Huyền, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đặt ra mục tiêu, tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục ĐH. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện nay, tại Việt Nam, đầu tư của gia đình cho giáo dục ĐH lên tới 87% trong tổng suất đầu tư cho một sinh viên, trong đó, học phí chỉ chiếm khoảng 20%, phần còn lại là các chi phí cho cuộc sống. Chính vì thế, những giải pháp tăng, giảm học phí có lẽ không phải là vấn đề đáng quan tâm, mà nên tìm cách giúp sinh viên giảm chi phí cuộc sống hoặc gia tăng cơ hội việc làm... Đây rõ ràng là những gợi ý chính sách rất quan trọng cho các cấp, ngành trong việc điều chỉnh chiến lược đào tạo nhân lực trong thời gian tới.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, hội thảo Việt Nam học lần thứ V đã thực sự là nhịp cầu kết nối các nhà Việt Nam học và nghiên cứu Việt Nam trên toàn cầu, không những thúc đẩy kết nối mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam mà đã bắt đầu hình thành các nhóm nghiên cứu phối hợp quốc tế. Đồng thời, hội thảo lần này là một dấu mốc gắn kết, phát triển, đưa sự quan tâm của Việt Nam học truyền thống đến với những lĩnh vực rộng hơn, liên ngành hơn, gắn với các vấn đề đương đại của Việt Nam.

Quỳnh Phạm