Nhiều mô hình vì cộng đồng
Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 18/12/2016
Mô hình lớp học “Chắp cánh ước mơ” của Quận đoàn Hai Bà Trưng thực hiện. |
“Lớp học chắp cánh ước mơ” do Quận đoàn Hai Bà Trưng tổ chức hơn 4 năm nay đã giúp hàng trăm thiếu niên, nhi đồng có nơi vui chơi, học tập, rèn luyện và được sống trong vòng tay yêu thương, nhân ái của các anh chị đoàn viên. Nhiều em đến đây do các chi đoàn giới thiệu, song cũng có em là học sinh cá biệt, hoàn cảnh khó khăn được nhà trường đưa đến. Dù lứa tuổi khác nhau, nhưng được sự dìu dắt, dạy bảo của các anh chị, các em sống như một gia đình, biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ và cùng nhau học tập tiến bộ.
Bí thư Quận đoàn Hai Bà Trưng Nguyễn Xuân Diệp cho biết, từ năm 2012 đến nay, các cấp đoàn của quận đã tổ chức được hơn 30 lớp học cho trên 500 học sinh. Một tuần hai buổi, các em được học tiếng Anh, học toán lồng ghép với các trò chơi phù hợp, tạo không khí vui tươi. Để các lớp học duy trì hiệu quả, Quận đoàn thường xuyên kiểm tra, động viên, khích lệ các em học sinh học tập. Quận đoàn cũng đã vận động quyên góp trong đoàn viên, thanh niên, mua tặng hàng nghìn cuốn sách, vở, đồ dùng học tập cùng nhiều quà tặng khác cho các em học sinh. Mô hình “Lớp học chắp cánh ước mơ” đã được các cấp ủy và cộng đồng đánh giá cao, góp phần quan tâm, chăm sóc, nhất là ngăn chặn tình trạng trẻ bỏ học sớm…
Ngoài mô hình của Quận đoàn Hai Bà Trưng, đoàn viên, thanh niên huyện Sóc Sơn được ghi nhận với mô hình Xe đạp 1 nghìn đồng, giúp hàng trăm đội viên hoàn cảnh khó khăn có xe đạp đi học. Quận đoàn Hoàn Kiếm chỉ đạo đoàn 18 phường tổ chức 200 buổi ra quân thu gom rác thải, bóc xóa quảng cáo rao vặt, đồng thời xây dựng 18 đội hình tham gia duy trì trật tự, bảo đảm không còn quảng cáo rao vặt trái phép, không có rác thải tồn đọng, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh. Hay Huyện đoàn Thanh Trì xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình “Tuyến đường văn minh, đô thị” với 54 đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường, xóa chân rác, dỡ mái che, mái vẩy lấn chiếm vỉa hè, lòng đường…
Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên thành phố Nguyễn Ngọc Việt cho biết, bên cạnh những đóng góp trên, đoàn viên, thanh niên còn xung kích đi đầu trong phát triển kinh tế Thủ đô. Nhiều mô hình, CLB tập hợp đoàn viên đam mê kinh tế cho ra đời nhiều trang trại, cửa hàng, cửa hiệu giúp thanh niên làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội. Trong đó, khối thanh niên nông thôn có phong trào “Tuổi trẻ Thủ đô tham gia xây dựng nông thôn mới”, “Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất giỏi”. Khối đô thị, trường học tổ chức được nhiều sân chơi trí tuệ cho đoàn viên, thanh niên gắn với các môn khoa học - công nghệ, rèn luyện tay nghề. Qua đó đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu với hàng trăm đề tài, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, làm lợi hàng tỷ đồng.
Từ việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đoàn viên, thanh niên Thủ đô đã trưởng thành và hoàn thiện hơn. Nhiều em từ chỗ còn thờ ơ, thiếu ý thức trách nhiệm với bản thân và mọi người… nay đã có bước chuyển về tư duy, hành động, sống có trách nhiệm, kỷ luật hơn, đặc biệt là có ý chí phấn đấu vươn lên vượt qua khó khăn, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều trở lực; cơ chế hỗ trợ chưa được triển khai kịp thời. Chưa kể, vẫn còn một bộ phận thanh, thiếu niên chậm tiến chưa được dìu dắt để thoát khỏi sự bế tắc trong cuộc sống... Điều đó đòi hỏi tổ chức Đoàn phải nỗ lực hơn; cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng cần quan tâm hơn, giúp tổ chức duy trì, phát huy hiệu quả các mô hình hoạt động, qua đó ngày càng tập hợp, thu hút được nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia đóng góp trí, lực cho xã hội.