Các đại cử tri Mỹ bỏ phiếu lựa chọn tổng thống: Thử thách cuối cùng

Thế giới - Ngày đăng : 07:01, 19/12/2016

(HNM) - Hôm nay (19-12, giờ Mỹ), 538 đại cử tri các bang trên khắp nước Mỹ sẽ nhóm họp để chính thức bỏ phiếu chọn ra Tổng thống tiếp theo.

Ông D.Trump phải vượt qua vòng bỏ phiếu ngày 19-12 mới chính thức trở thành Tổng thống Mỹ


Đó là, "cuộc nổi dậy" của một số đảng viên Dân chủ và thậm chí là đảng viên Cộng hòa bằng việc bỏ phiếu khác đi. Những người này được gọi là "đại cử tri bất trung". Với một số yếu tố bất lợi xuất hiện, ông Donald Trump có thể phải đối mặt với khó khăn hơn trên con đường chính thức trở thành vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Theo luật liên bang ở Mỹ, không có quy định bắt buộc các đại cử tri phải bầu theo kết quả bỏ phiếu phổ thông của bang mình đại diện. Dù vậy, hiếm có đại cử tri nào đi ngược lại kết quả bỏ phiếu phổ thông. Nhưng trước thềm cuộc bỏ phiếu này, Giáo sư luật Đại học Harvard Larry Lessig, người từng nằm trong danh sách ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ cho biết, đã có 30 đại cử tri đảng Cộng hòa liên hệ với ông để được tư vấn pháp lý miễn phí việc không bỏ phiếu cho ông D.Trump. Tuy nhiên, ông không đưa ra dẫn chứng để chứng minh cho thông tin này. Nếu những tin tức trên là đúng, đây sẽ là tín hiệu tích cực cho những người đang phát động chiến dịch không bỏ phiếu cho Tổng thống đắc cử D.Trump.

Tỷ phú D.Trump giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra hôm 8-11. Tuy số phiếu phổ thông của ông thấp hơn của đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton khoảng 2,7 triệu phiếu, nhưng ông vẫn đắc cử nhờ chiến thắng ở các bang chủ chốt và giành 306 phiếu đại cử tri, vượt ngưỡng tối thiểu 270 phiếu để trở thành tổng thống. Song điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông không phải là người đứng đầu trong việc có được sự tín nhiệm từ phía cử tri Mỹ. Bên cạnh đó, yếu tố đóng vai trò quyết định thúc đẩy cử tri đoàn xem xét việc phủ quyết quyền Tổng thống của ông D.Trump là phát hiện có sự can dự của chính phủ nước ngoài vào cuộc bầu cử.

Bộ An ninh Nội địa và Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ mới đây đã ban hành một tuyên bố chung thay mặt cho cộng đồng tình báo Mỹ (USIC) bao gồm 17 cơ quan, khẳng định rằng Nga đứng sau các cuộc tấn công vào hệ thống mạng của Mỹ. Cộng đồng USIC tin rằng, Chính phủ Nga đã chỉ đạo các cuộc tấn công mạng để lấy cắp thư điện tử của các quan chức và cơ quan liên bang Mỹ, bao gồm các tổ chức chính trị nước này, sau đó phát tán lên các trang thông tin như DCLeaks, WikiLeaks… Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời khẳng định, bản thân các trang web của Nga cũng phải hứng chịu hàng chục nghìn lượt tin tặc tấn công mỗi ngày nhưng nước này chưa hề lên tiếng cáo buộc bất cứ bên nào.

Dẫu vậy, các nhà phân tích cho rằng, khó có thể thuyết phục được 37 đại cử tri đảng Cộng hòa không bỏ phiếu cho ông D.Trump, con số cần thiết để có thể chặn đường vào Nhà Trắng của tỷ phú bất động sản. Đến nay chỉ có một đại cử tri Cộng hòa là ông Chris Suprun ở bang Texas công khai tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho nhà tài phiệt bất động sản vào ngày 19-12 ngay cả khi ông chiến thắng ở bang này. Thêm vào đó, cán cân quyền lực ở Hạ viện Mỹ đang nghiêng về phía đảng Cộng hòa, nên việc để cho một ứng viên đại diện đảng Dân chủ lên nắm chiếc ghế Tổng thống là chuyện khó xảy ra. Theo kết quả thăm dò dư luận mới đây do CNN/ORC tiến hành từ ngày 17 đến ngày 21-11, có tới 53% số người tham gia cho rằng, ông D.Trump sẽ làm rất tốt hoặc khá tốt công việc tổng thống. 40% số người nói đặt nhiều niềm tin vào cách ông giải quyết vấn đề kinh tế. Sự trung thành của các đại cử tri luôn được cho là thể hiện tôn trọng các giá trị dân chủ của Mỹ. Lịch sử bầu cử Mỹ trong 80 năm trở lại đây chỉ ghi nhận 9 “đại cử tri bất trung”. Tuy nhiên, dù thế nào, kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 19-12 của các đại cử tri Mỹ sẽ ngã ngũ cuộc đua vào Nhà Trắng và đây là thách thức cuối cùng để ông D.Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Thùy Dương