Cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện
Chính trị - Ngày đăng : 06:50, 22/12/2016
Tiếp đó, UBTVQH đã thảo luận về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của UBTVQH về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Báo cáo của Chính phủ, sau một năm thực hiện Nghị quyết của UBTVQH về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các bộ, ngành đều đã cụ thể hóa các nhiệm vụ vào các chương trình, kế hoạch của bộ, ngành, nhằm thúc đẩy hội nhập trong từng ngành, từng lĩnh vực nói riêng và tiến trình hội nhập của cả nước nói chung.
Tuy nhiên, một số nhiệm vụ chưa hoàn thành đúng thời hạn do các bộ, ngành chưa đủ điều kiện và nguồn lực thực hiện, cần tiếp tục nghiên cứu để có phương án triển khai phù hợp. Hội nhập kinh tế quốc tế cũng đã góp phần làm bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế. Đó là cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện về căn bản. Tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua phần nhiều dựa vào lao động giá rẻ mà thiếu sự đóng góp của việc gia tăng năng suất lao động hay hàm lượng tri thức, công nghệ. Đây là nhóm vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, xử lý trong dài hạn.
Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về Đề án và kịch bản tổng thể tổ chức Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán Tối cao Châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) năm 2018; hai Đề án của Kiểm toán Nhà nước gồm: Tổ chức, biên chế của Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; vị trí việc làm của Kiểm toán Nhà nước. So với Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020, đề án giảm được 6 đơn vị trực thuộc, gồm: Kiểm toán Nhà nước khu vực XIV, Kiểm toán Nhà nước khu vực XV, Vụ Thi đua - Khen thưởng; Trung tâm Thông tin, tư liệu và thư viện; Viện Nghiên cứu khoa học kiểm toán; Thời báo Kiểm toán; giảm biên chế 446 người.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, kế hoạch nêu trên thể hiện sự nỗ lực của Ngành Kiểm toán. Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần làm rõ việc giảm bộ máy, con người trong điều kiện nhiệm vụ của ngành ngày càng tăng liệu có sự mâu thuẫn hay không, có đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của ngành hay không?...