Lễ chào mừng Di sản thế giới “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ”

Văn hóa - Ngày đăng : 08:25, 23/12/2016

(HNMO) - Tối 22/12, tại Rạp Công Nhân – 42 Tràng Tiền, Lễ chào mừng Di sản Văn hoá Phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá Tín ngưỡng Việt Nam và Công ty Nhà hát Việt.

.

Các thanh đồng biểu diễn trong lễ chào mừng


Lễ đón mừng có sự tham gia của ông Phạm Sanh Châu - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO, Giáo sư Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá Tín ngưỡng Việt Nam, Đạo diễn Việt Tú – Giám đốc sáng tạo của Viet Theatre và vở diễn Tứ Phủ.

Sau thời gian nỗ lực vận động cộng đồng quốc tế, với sự ủng hộ tuyệt đối của Chính phủ, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt đã được công nhận là Di sản Văn hoá Phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là lần đầu tiên, UNESCO vinh danh Người phụ nữ Việt Nam qua hình ảnh của Thánh Mẫu.

Buổi lễ chào mừng có phần trình diễn “Cô Bé Thượng Ngàn”, trích từ vở diễn Tứ Phủ của tập thể nhạc công, nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam, những người đã góp một phần không nhỏ trong việc gìn giữ, phát huy những vẻ đẹp, sự trong sáng thuần khiết nhất của Thực hành nghi lễ thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt trên sân khấu nghệ thuật. Cùng với phần trình diễn này là các tiết mục trình diễn hầu đồng đặc sắc của các nghệ nhân dân gian như nghệ nhân dân gian Đặng Ngọc Anh, Nguyễn Kim Loan, Đỗ Thị Vui, Nguyễn Đại Dương, Trần Thị Chung, Nguyễn Văn Mười, Dương Thị Phương Đông.

Giá đồng "Cô bé Thượng Ngàn"


Việc Tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại làm tăng vị thế của nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong kho tàng của nhân loại, mặt khác sẽ làm cho cộng đồng yêu nghệ thuật, văn hoá trên thế giới có thêm một sự lựa chọn đặc sắc trong nhu cầu trải nghiệm văn hoá toàn cầu của mình.

Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng thờ Mẫu bao gồm các lễ cúng, lên đồng, hát văn và lễ hội, tiêu biểu là Lễ hội Phủ Giầy ở tỉnh Nam Định diễn ra vào ngày 3 tháng 3 âm lịch (ngày mất của Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Các thực hành thể hiện những yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua các thế hệ hàng trăm năm.

Hồ sơ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại do bản thân Tín ngưỡng thờ Mẫu có giá trị đặc sắc bởi di sản gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục tập quán văn hóa của người dân, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền từ ngàn đời nay.

Ông Phạm Sanh Châu phát biểu trong buổi lễ chào mừng


Việc hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại một mặt góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại, mặt khác sẽ làm cho cộng đồng, những người thực hành di sản nhận thức sâu sắc thêm về di sản của mình để họ tự hào và tích cực hơn trong công tác tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu.

Trong suốt thời gian qua, ekip của Công ty Nhà hát cũng đã tìm hiểu và xây dựng một vở diễn Tứ Phủ mang tính thưởng thức cao nhưng vẫn giữ được nguyên bản cái hay, cái đẹp, sự trong sáng, tôn vinh sự lộng lẫy, tinh tế của nghệ thuật trong Đạo Mẫu để giới thiệu với bạn bè quốc tế mỗi lần ghé thăm Hà Nội, là một phần thưởng đầy khích lệ cho những giây phút đầu tiên đầy khó khăn, thách thức khi xây dựng tác phẩm nghệ thuật đặc sắc này.

Trao Bằng kỷ niệm chương cho các thanh đồng tiêu biểu


Với tư cách là Giám đốc sáng tạo của Viet Theatre và vở diễn Tứ Phủ, Đạo diễn Việt Tú là người gắn bó và có nhiều tâm huyết trong việc đưa tín ngưỡng Đạo Mẫu của Việt Nam ra với cộng đồng quốc tế. Anh chia sẻ tại Lễ đón mừng: “Không chỉ riêng tôi mà có lẽ tất cả những ai yêu văn hoá truyền thống Việt Nam, những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đều hồi hộp chờ đợi danh hiệu Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đạo Mẫu là một tín ngưỡng vô cùng quan trọng và đặc biệt với văn hoá và lịch sử Việt Nam, là tổng hoà của rất nhiều yếu tố đặc biệt từ lịch sử, đến thực hành tín ngưỡng trong đời sống, từ sự giao hoà giữa tâm linh và những nét đẹp của nghệ thuật trình diễn dân gian, là một tổng thể lộng lẫy tinh tế không bất kỳ đâu có được xứng đáng đại diện cho văn hoá dân tộc trong mọi hoạt động quảng bá sắp tới cho văn hoá Việt Nam trên toàn thế giới”.

Ông Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO, Tổng Thư ký, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, cũng là một người rất ủng hộ vở diễn Tứ Phủ nói riêng cũng như quá trình đệ trình hồ sơ Đạo Mẫu lên UNESCO. Ông bày tỏ niềm vui mừng: “Việc vinh danh có ý nghĩa to lớn, khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng hóa văn hóa, khuyến khích đối thoại cá nhân, cộng đồng và các dân tộc khác nhau, vì sự khoan dung và lòng bác ái. Tín ngưỡng thờ mẫu thể hiện sự tôn vinh của dân tộc Việt Nam với người mẹ, coi trọng vai trò của phụ nữ”.

GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, cũng bày tỏ niềm hạnh phúc trước sự kiện trọng đại của văn hóa Việt. Ông chia sẻ trước đó: "Không giống như Ca trù, Tín ngưỡng Thờ Mẫu ngay từ khi rục rịch làm hồ sơ đệ trình UNESCO, chưa cần tới cơ quan chức năng phát động thì nó đã bùng phát, nhân rộng tới toàn thể nhân dân. Điều đó cho thấy sức sống của nó và nhu cầu tâm linh của con người là có thật".

Hoàng Lân