Mô hình truy xuất nguồn gốc thực phẩm hiệu quả

Kinh tế - Ngày đăng : 06:49, 23/12/2016

(HNM) - Từ ngày 16-12, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã chính thức đưa đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn vào thí điểm tại 349 điểm bán lẻ thuộc hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng) như Saigon Co.op, Big C, Satra, Vissan, Aeon Citimart,...

Sử dụng ứng dụng Te-Food để truy xuất nguồn gốc thịt lợn.


Ghi nhận trong những ngày đầu triển khai đề án tại một số điểm bán lẻ thịt lợn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy những phản hồi tích cực từ phía người dân. Sau khi được nhân viên tại điểm bán lẻ thịt lợn tại quận Gò Vấp hướng dẫn về quy trình truy xuất nguồn gốc ứng dụng Te-Food, bà Hoàng Thị Dương (quận Gò Vấp) cho biết quy trình khá dễ dàng với người dân khi chỉ cần quét tem trên miếng thịt, không chỉ bằng điện thoại thông minh mà còn có thể truy xuất qua hệ thống máy móc tại điểm bán là có thể biết thông tin liên quan đến chất lượng sản phẩm. “Biết được tại chỗ nguồn gốc và quy trình sản xuất miếng thịt mình cần mua, giá cả có tăng một chút nhưng vấn đề là bảo đảm được sức khỏe cho gia đình”, bà Dương nói.

Ứng dụng Te-Food có thể tải về miễn phí trên điện thoại thông minh, máy tính bảng (áp dụng cho hệ điều hành Android, iOS và Windows), hoặc người dân có thể sử dụng trực tiếp qua máy truy xuất tại điểm bán và trang web te-food.com. Ngoài ra, đề án còn có đường dây nóng 19006726 (hoạt động 24/7) để hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho người tiêu dùng về ứng dụng Te-Food.


Đến điểm bán lẻ thịt lợn trong ngày đầu tiên thí điểm ứng dụng Te-Food, chị Trần Thị Hạnh (quận Tân Bình) cho biết trong bối cảnh người tiêu dùng đang đứng giữa “ma trận” thực phẩm bẩn - sạch lẫn lộn thì việc triển khai Te-Food sẽ giúp người dân yên tâm hơn, đặc biệt là Tết Nguyên đán đang cận kề. Theo chị Hạnh, thực phẩm rất đa dạng về mặt hàng, người tiêu dùng cũng rất cần các mặt hàng khác như thủy sản, rau củ… được áp dụng ứng dụng truy xuất như thịt lợn. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh) đánh giá, ứng dụng Te-Food đáp ứng được ngay nhu cầu truy xuất thực phẩm của người dân, đặc biệt là trong bối cảnh người tiêu dùng vốn đang lo lắng về tình trạng mất an toàn thực phẩm.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trước - trong và sau khi chính thức tiến hành thí điểm đề án, ngoài việc công bố trên các phương tiện truyền thông báo chí, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị chức năng gửi tin nhắn đến người tiêu dùng trên thành phố về ứng dụng Te-Food. Do đó, lượng thịt lợn tham gia đề án được tiêu thụ rất cao chỉ trong thời gian đầu thí điểm, thậm chí có siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã tiêu thụ lượng thịt gấp đôi ngày bình thường.

Từ những đánh giá tích cực của người tiêu dùng, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng đề án nói chung và ứng dụng Te-Food vẫn cần tiếp tục hoàn thiện. Đầu tiên là ở kênh phân phối truyền thống khi có tới hàng trăm tiểu thương tham gia, cần phải làm cho họ ý thức, đồng tình với đề án, thay đổi một số thói quen bán hàng. Trong thời gian thí điểm giai đoạn 1, sau khi hoàn thiện tại kênh phân phối hiện đại, sẽ đưa Te-Food đến các kênh phân phối truyền thống, thành phố hỗ trợ máy soi, tem chứa mã QR cho các tiểu thương bán lẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa nhấn mạnh, kết quả của thí điểm giai đoạn 1 trên thịt lợn sẽ quyết định đến thành công của cả đề án. Khi đã triển khai hoàn thiện, phải làm sao các chủ thể tham gia vận hành thành thạo thì mới có thể tiếp tục nhân rộng ra toàn địa bàn và xa hơn là áp dụng với các mặt hàng thực phẩm khác. Theo ông Hòa, quan trọng nhất là phải có sự đồng tình ủng hộ của người tiêu dùng.

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, thành phố rất kỳ vọng thí điểm đề án trên thịt lợn được thực hiện thành công, để tạo tiền đề triển khai trên các chủng loại, mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác. Ngoài ra, với những kinh nghiệm đạt được trong quá trình vận hành đề án, TP Hồ Chí Minh sẵn sàng giúp đỡ các địa phương khác muốn ứng dụng chương trình này.

Tiến Thành