Ngành Thông tin - Truyền thông đạt tăng trưởng cao hơn GDP cả nước
Kinh tế - Ngày đăng : 09:14, 23/12/2016
Tổng nộp NSNN toàn ngành đạt 145.915 tỷ đồng và đóng góp khoảng 14,38% vào tổng thu cân đối NSNN năm 2016.
Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành TT-TT được tổ chức sáng nay 23-12 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị. |
Trong đó, khối viễn thông đạt doanh thu 365.500 tỷ đồng, tăng 7,5%; nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 50.396 tỷ đồng, tăng 7,5%. Khối công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đạt 939.400 tỷ đồng, tăng khoảng 10% - chiếm 70,22% vào tổng doanh thu toàn ngành; nộp NSNN đạt 93.940 tỷ đồng, tăng 10%, đóng góp khoảng 64,38% vào tổng nộp NSNN của ngành. Đáng chú ý, lĩnh vực công nghiệp CNTT đã tạo việc làm cho trên 600.000 người, trong đó số lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp phần cứng - điện tử khoảng trên 300.000 người, còn lại thuộc về lĩnh vực công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số. Lĩnh vực báo chí đạt doanh thu 13.912 tỷ đồng; xuất bản, in và phát hành ước đạt 2.245 tỷ đồng; bưu chính đạt 16.800 tỷ đồng; truyền hình trả tiền đạt doanh thu 12.000 tỷ đồng.
Trong thực hiện quản lý nhà nước, năm 2016, Bộ TT-TT đã chỉ đạo, kiểm tra các DN thực hiện thu hồi sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối, đến nay, đã có 15 triệu sim kích hoạt sẵn bị khóa và thu hồi. Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan chức năng triệt phá đường dây sử dụng sim ảo để trộm cắp cước viễn thông quốc tế sử dụng công nghệ mới có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Bộ cũng đã thanh tra đột xuất các đại lý phát triển thuê bao di động trả trước, phát hiện nhiều vi phạm có dấu hiệu hình sự và đã chuyển sang Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, năm 2017 Bộ cần tập trung thực hiện tốt Luật Báo chí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Cụ thể, sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ quan báo chí, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại; tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là việc triển khai thực hiện kế hoạch KTXH 5 năm giai đoạn 2016-2020, công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch; tiếp tục chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm quy định của Luật Báo chí; quản lý chặt chẽ các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, qua đó xây dựng lòng tin của nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội.
"Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Bộ TT-TT cũng sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động cạnh tranh, khuyến mại, giá cước, chất lượng dịch vụ để bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông"- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Triển khai Đề án cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao và kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định. Tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, mua bán lưu thông SIM di động sai quy định; xây dựng các chính sách thúc đẩy sự phát triển thuê bao di động trả sau.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành TT-TT trong năm 2016. Cụ thể, Phó Thủ tướng đánh giá cao toàn ngành đạt kết quả tăng trưởng (9,3%) cao gấp rưỡi trung bình cả nước; đồng thời ghi nhận sự thiết lập kỷ cương, chấn chỉnh trong hoạt động báo chí, thông tin điện tử để các cơ quan này tiếp tục phát huy mặt mạnh, phát triển hơn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong điều kiện tình hình mới, báo chí và đội ngũ những người làm báo phải luôn ý thức về vai trò định hướng, tiên phong về công nghệ, song vẫn phải bảo đảm việc tuyên truyền. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kỳ vọng lĩnh vực viễn thông, CNTT tiếp tục đi tiên phong trong xây dựng hạ tầng với công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất để bảo đảm cho phát triển, sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...