Tránh tình trạng Quốc hội “bắc nước chờ gạo, nước sôi mà chưa thấy mang gạo tới”
Chính trị - Ngày đăng : 16:27, 23/12/2016
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, công tác xây dựng pháp luật có tiến bộ nhưng nhìn chung, pháp luật còn nhiều hạn chế, chất lượng còn thấp, thiếu ổn định, nên thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung. Việc lập chương trình xây dựng pháp luật chưa hiệu quả cao, có tình trạng thường xuyên xin lùi, xin rút.
Nhắc lại ý kiến của đại biểu Quốc hội về tình trạng để Quốc hội phải “bắc nước chờ gạo, nước đã sôi mà vẫn chưa thấy mang gạo tới”, Thủ tướng nhấn mạnh làm luật không được rơi vào tình trạng bị động. Trong quá trình triển khai chất lượng quan trọng chứ không phải là số lượng.
Trong thời đại Internet, Facebook, Zalo… Thủ tướng mong muốn ngành tư pháp phải đổi mới mạnh mẽ công tác phổ biến giáo dục pháp luật, cần định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
“Tôi xin đặt câu hỏi với Bộ trưởng Lê Thanh Long là làm thế nào để Bộ Tư pháp mạnh lên, ngành Tư pháp mạnh lên, đúng với vị trí, vai trò nhiệm vụ được giao trong bối cảnh chúng ta thực sự chú trọng công tác xây dựng, thực thi thể chế, Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và chính bản thân Chính phủ cũng nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Chúng ta phải làm gì để từng cán bộ, chuyên viên Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp cả nước phát huy được hết năng lực, trí tuệ, trách nhiệm”, Thủ tướng bày tỏ và cho biết ông cảm thấy lo lắng khi ở một số cơ quan, bộ phận pháp chế không được coi trọng và quan tâm đúng mức.
Về nhiệm vụ toàn ngành Tư pháp năm 2017, Thủ tướng Chính phủ nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra. Đồng chí nêu rõ, đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khoa học công nghệ phát triển rất nhanh. Toàn ngành Tư pháp cần nhận thức rõ tình hình, tổ chức thực hiện tốt tinh thần của Đại hội XII của Đảng. Đó là, đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra giám sát tình hình nhà nước. Trên tinh thần đó, luật pháp, chính sách được xây dựng phải phản ứng kịp thời hơn với mọi thay đổi, biến động của đời sống xã hội. Ngành Tư pháp phải thực hiện các giải pháp để thể chế thực sự trở thành động lực quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì tặng nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc.