Kiến trúc vị nhân sinh

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:48, 25/12/2016

(HNM) - Trong tuần qua, chương trình “Gặp gỡ Mùa thu” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức đã đưa giới kiến trúc sư đến với nhau, cùng bàn luận về một vấn đề được người trong và ngoài giới cùng quan tâm: Kiến trúc vì cộng đồng.


Không nghi ngờ gì nữa, kiến trúc - bộ môn khoa học và là nghệ thuật - có mối quan hệ mật thiết với việc tổ chức không gian sống của cộng đồng.

Bởi thế, trong bối cảnh không gian sống đang chịu sức ép đô thị hóa mạnh mẽ, cảnh quan môi trường khu vực nông thôn cũng trở nên bức bối thì kiến trúc, kiến trúc sư, đặc biệt là mảng kiến trúc vì cộng đồng càng quan trọng. Kiến trúc không chỉ mang ý nghĩa làm đẹp cho đời, mà còn có bổn phận giúp cho cuộc sống của con người trở nên thoải mái hơn, để xứng với vai trò to lớn của bộ môn nghệ thuật này là xây dựng một nền kiến trúc Việt Nam giàu bản sắc, hướng tới mục tiêu cao cả là phục vụ nhân dân.

Trong thực tế, so với kỳ vọng và trọng trách được giao, cần phải nói rằng kiến trúc Việt Nam chưa thực sự mạnh ở mảng kiến trúc cộng đồng. Sự gắng gỏi của lớp kiến trúc sư trẻ theo định hướng của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, những công trình vì dân trong khuôn khổ dự án tôn nền vượt lũ, xây trường học ở vùng cao, giải tỏa những khu nhà ổ chuột hay xóm vạn chài… không khỏa lấp thực tế là ước mong vì cộng đồng của giới kiến trúc sư chưa trở thành hiện thực trọn vẹn bởi nhiều lý do.

Kiến trúc vì cộng đồng, theo nghĩa rộng, không thể giới hạn phạm vi ảnh hưởng ở vùng khó khăn, hướng tới các nhóm yếu thế ở vùng sâu, vùng xa dù đó đều là những mục tiêu ưu tiên hàng đầu, mà cần phải chú ý một cách thỏa đáng tới những vấn đề của đô thị, nơi cũng có những nhóm yếu thế, những khu nhà ổ chuột và hàng nghìn hộ gia đình đang phải sống chen chúc trong những ngôi nhà chật hẹp mà họ phải đi thuê. Mục tiêu vì cộng đồng là gì nếu chúng ta bỏ qua hoặc bó tay trước một thực tế là các đô thị ngày một thiếu không gian văn hóa công cộng đúng nghĩa, sân chơi cho trẻ em trở thành mối lo?

Muốn kiến trúc vì cộng đồng phát huy vai trò to lớn, tạo hiệu quả thiết thực trong việc tham gia tổ chức không gian sống, cải thiện điều kiện sống của người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, giới kiến trúc cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng, của những ngành liên quan như quy hoạch, xây dựng...

Dù kiến trúc vì cộng đồng, như cách hiểu phổ biến là phi lợi nhuận, hướng tới nhóm đối tượng khó khăn, người nghèo, thì điều cần thiết vẫn là giải phóng các kiến trúc sư khỏi nỗi lo tiền bạc, vật chất để họ thỏa chí sáng tạo vì cộng đồng. Cách "giải phóng" tốt nhất là bố trí nguồn kinh phí và không gian cho những dự án xứng đáng, cần thiết dành cho cộng đồng; có giải pháp hỗ trợ và khuyến khích các kiến trúc sư khởi xướng hoặc tham gia vào các dự án dành cho nhóm yếu thế thay vì để họ tự xoay xở từ A đến Z - từ kêu gọi nguồn vốn đến xây dựng thiết kế kiến trúc, làm thủ tục xây dựng, lựa chọn nhân công. Các địa phương có thể và cần chủ động đặt hàng giới kiến trúc sư đối với những dự án lớn nhằm phục vụ cộng đồng, mở cuộc thi tuyển đồ án kiến trúc nhằm chọn ra phương án tối ưu, tạo điều kiện cho người làm nghề tiếp cận với những khoản đầu tư phi lợi nhuận...

Về phía kiến trúc sư, điều cần thiết là nâng cao chất lượng nghiên cứu, phê bình, nỗ lực tham gia phản biện trong quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn, xây dựng giải pháp cải thiện môi trường cũng như ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu. Đó là những điều cần thiết ở một nền kiến trúc vị nhân sinh.

Dục Tú