Đông Bắc Á: Mối lo đại dịch cúm gia cầm bùng phát

Thế giới - Ngày đăng : 07:39, 25/12/2016

(HNM) - Ngành chăn nuôi gia cầm của Hàn Quốc đang hứng chịu thiệt hại nặng nề do sự lây lan không kiểm soát được của vi rút H5N6 - một chủng vi rút có độc lực cao.

Chỉ trong vòng một tháng, Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Các vấn đề nông thôn nước này đã tiêu hủy gia cầm số lượng kỷ lục từ trước tới nay (19,11 triệu con). Số tiền hỗ trợ các trang trại bị ảnh hưởng đã lên tới hơn 30 triệu USD.


Cơ quan chức năng tiêu hủy gia cầm tại trang trại phát hiện virus cúm H5N6 ở Haenam, miền nam Hàn Quốc hôm 17/11. Ảnh: Yonhap/Reuters.


Như vậy, trong tháng qua mỗi ngày có khoảng 600.000 con gà, vịt bị tiêu hủy và con số này có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới. Đây là đợt bùng phát cúm gia cầm nghiêm trọng nhất và lây lan nhanh nhất ở Hàn Quốc kể từ đợt bùng phát cúm gia cầm chủng vi rút H5N8 từ tháng 1-2014 đến tháng 11-2015, với 19,37 triệu gia cầm bị tiêu hủy. Giới chức y tế cho biết, chim di cư là một nguồn phát tán chủng vi rút H5N6 do không có báo cáo nào về các trường hợp bị lây nhiễm thông qua sự dịch chuyển của người hay vật nuôi.

Đợt bùng phát đầu tiên của vi rút cúm gia cầm chủng H5N6 trong năm nay được chính quyền Hàn Quốc thông báo từ ngày 16-11 tại hai trang trại gia cầm ở miền Trung và miền Nam nước này. Nhiều biện pháp ngăn ngừa dịch phát tán đã được triển khai như cấm vận chuyển gia cầm, phun thuốc khử trùng...

Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của các cơ quan chức năng, dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan sang những vùng khác. Đến ngày 15-12, Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Các vấn đề nông thôn đã phải nâng cảnh báo cúm gia cầm lên mức cao nhất, theo đó nêu rõ vi rút cúm đang lây lan với tốc độ báo động với 204 trang trại trên cả nước đang bị dịch.

Đáng lo ngại là kết quả phân tích gen của vi rút cúm gia cầm H5N6 tại Hàn Quốc tương tự với gen di truyền của loại vi rút được phát hiện tại Trung Quốc đầu năm nay nhưng các gen có khả năng tự sao chép của vi rút lại có sự khác biệt lên tới 10%. Hiện các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu mức độ nguy hiểm của chủng loại vi rút biến thể này.

Trong khi đó, mối lo ngại về dịch cúm gia cầm H5N6 từ Hàn Quốc lan rộng ra các nước khác trong khu vực ngày càng tăng khi ngày 20-12, Nhật Bản đã phải tiến hành tiêu hủy khoảng 122.000 con gia cầm ở một trang trại tại thị trấn Kawaminami, thuộc tỉnh Miyazaki. Các chuyên gia cảnh báo, dịch bệnh có thể lan ra cả nước vì đã phát hiện chim hoang dã nhiễm chủng cúm H5N6 ở nhiều nơi tại nước này. Để ngăn ngừa dịch lan rộng, nhà chức trách đã ban hành lệnh cấm vận chuyển gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm có xuất xứ từ các khu vực trong phạm vi bán kính 3km xung quanh những trang trại có gia cầm nhiễm bệnh. Những tuyến đường dẫn vào các trang trại bị cúm cũng được khử trùng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mức độ nguy hiểm của cúm H5N6 tương đương với H5N1 từng gây nên đại dịch làm hàng trăm người trên thế giới thiệt mạng năm 2005. Dù chưa có bằng chứng lây truyền H5N6 từ gia cầm sang người, nhưng đặc tính biến đổi thường xuyên của các chủng vi rút cúm là rất đáng quan tâm vì hiện con người chưa sản xuất kịp các vắc xin phòng cúm.

Quỳnh Dương