Phát huy vai trò cầu nối
Đời sống - Ngày đăng : 07:03, 26/12/2016
Người dân, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu các văn bản chỉ đạo, điều hành của thành phố qua Cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội.Ảnh: Khánh Huy |
Không cần phải trực tiếp đến cơ quan hành chính, anh Trần Đức Tuấn (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) ngồi ngay tại nhà và truy cập vào Cổng giao tiếp điện tử của TP Hà Nội cũng tra cứu được toàn bộ những thông tin cần tìm hiểu về thủ tục hành chính (TTHC). Chỉ cần bấm vào mục “Dịch vụ công” rồi chọn tên lĩnh vực cần làm thủ tục là anh Tuấn có thể biết tên cơ quan thực hiện, các thủ tục trong đó mỗi thủ tục đều được ghi rõ trình tự thực hiện, cách thức thực hiện, thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, lệ phí, mẫu tờ khai… Đây cũng là cách mà nhiều người dân đã lựa chọn khi cần tìm hiểu về TTHC nhằm giảm thời gian, công sức khi phải trực tiếp đến cơ quan hành chính hỏi thủ tục.
Hiện trên Cổng giao tiếp điện tử của TP Hà Nội cung cấp 2.299 TTHC cấp thành phố, 283 TTHC cấp quận, huyện và 148 TTHC cấp xã, phường, thị trấn. Trong đó, cùng với các TTHC mức độ 1 (cung cấp thông tin về thủ tục), mức độ 2 (tải được mẫu đơn, mẫu tờ khai), trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố đã có 361 TTHC mức độ 3 (điền và nộp được hồ sơ qua mạng). Nhiều đơn vị đang thí điểm thực hiện dịch vụ công mức độ 4 (nhận kết quả qua mạng). Cùng với Cổng giao tiếp điện tử của thành phố, toàn bộ các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đều có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử hoạt động khá hiệu quả.
Một trong những nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của UBND huyện Gia Lâm là nâng cao hiệu quả hoạt động cổng giao tiếp điện tử. Từ đầu năm 2016 đến nay, huyện Gia Lâm đã đăng tải 545 tin, bài viết, 131 văn bản chỉ đạo điều hành trên cổng giao tiếp điện tử của huyện, góp phần phục vụ có hiệu quả công tác tuyên truyền.
Tại huyện Mê Linh, cổng giao tiếp điện tử cung cấp 100% thông tin chỉ đạo, điều hành của huyện và kết nối với Cổng giao tiếp điện tử thành phố. Tương tự, các quận, huyện Hoàn Kiếm, Hà Đông, Thanh Xuân, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa… cũng tích cực đăng tải các thông tin để nhân dân truy cập.
Bên cạnh việc cung cấp các thông tin về chỉ đạo, điều hành, tin tức sự kiện, cải cách hành chính, văn bản pháp luật… các cổng giao tiếp điện tử, thông tin điện tử của quận, huyện còn có mục “Hỏi - Đáp” hoặc “Dân hỏi - UBND huyện trả lời” cũng được nhiều người quan tâm gửi câu hỏi. Đáng chú ý, việc công khai, minh bạch đang được áp dụng ngay trên cổng. Điển hình là trên cổng thông tin điện tử của hầu hết các phường của quận Long Biên đều đăng công khai tên, ảnh, chức vụ, số điện thoại, địa chỉ email của bộ máy lãnh đạo UBND phường.
Theo Phó Văn phòng UBND quận Long Biên Nguyễn Văn Thắng: “Việc đăng tải thông tin minh bạch nhằm tạo sự gần gũi giữa chính quyền với nhân dân, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ lãnh đạo. Hiện quận Long Biên đã xây dựng, thiết lập và duy trì hoạt động nền nếp, ổn định cổng thông tin điện tử chung của quận, cổng thông tin của 14/14 phường và cổng thông tin điện tử của 68 trường học công lập trên địa bàn. Quận cũng đã xây dựng các quy định, quy trình và phân công bảo đảm thực hiện các nội dung, chuyên mục trên cổng thông tin điện tử”.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các cổng giao tiếp điện tử, thông tin điện tử vẫn còn hạn chế cần khắc phục để phát huy được hiệu quả cao hơn nữa. Đó là việc cập nhật các TTHC đã được đơn giản hóa quy trình, thời gian thực hiện đôi khi chưa kịp thời. Bên cạnh đó, một số đơn vị còn chậm đăng tải thông tin chỉ đạo điều hành mới. Cụ thể như Cổng thông tin điện tử quận Hai Bà Trưng lâu nay mục chỉ đạo điều hành vẫn đăng kế hoạch từ ngày 25-1 về kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2016. Hay Cổng thông tin điện tử của huyện Đan Phượng có các phần “Chiến lược, quy hoạch phát triển”, “Tuyên truyền phổ biến”, “Thông tin doanh nghiệp, dự án” nhưng mở ra không có thông tin...
Trong Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 đã xác định rõ mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Thành phố phấn đấu đến năm 2018, tất cả xã, phường, thị trấn được kết nối mạng diện rộng, có trang thông tin điện tử trên cổng thông tin điện tử của quận, huyện, thị xã. Để thực hiện mục tiêu này, các đơn vị cần sớm chấn chỉnh, duy trì việc thực hiện cổng thông tin điện tử một cách nền nếp và đặc biệt là thực chất và hiệu quả.