Khi nào hết cảnh “mượn” đình để họp?
Đời sống - Ngày đăng : 07:37, 26/12/2016
Ngôi Đình Ông chật hẹp kiêm nơi sinh hoạt, hội họp của KDC số 5. |
“Đình Ông - Di tích lịch sử đã xếp hạng. Cấm xâm phạm” là tấm biển được gắn ngay ngoài bên cửa ngôi đình kiêm nhà hội họp của KDC số 5, phường Hoàng Văn Thụ. Đình Ông chỉ rộng khoảng 30m2, trong đó 1/2 là nơi đặt các ban bệ thờ cúng, phần còn lại kê 2-3 cái bàn dài, vài chiếc ghế xếp làm nơi chi bộ, các ban, ngành, đoàn thể tại KDC hội họp. Ông Đặng Vũ Hùng - Phó Bí thư Chi bộ KDC số 5 cho biết: Đây là địa điểm họp từ khi còn là xã Hoàng Văn Thụ (huyện Thanh Trì).
Tuy đã thành phường thuộc quận Hoàng Mai nhiều năm nhưng KDC vẫn không có chỗ sinh hoạt, hội họp, nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng. Các cuộc họp, hội nghị của KDC, tổ dân phố, các đoàn thể, nhân dân đều phải tổ chức tại Đình Ông. Vì diện tích đình quá nhỏ nên chỉ xếp được hơn chục chỗ trong nhà, còn lại phải kê ghế ngồi ngoài sân - phương tiện giao thông qua lại, ồn ào, chưa kể mưa nắng… Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân, sinh hoạt hè cho trẻ em cũng bị hạn chế. Bà Nguyễn Thị Đặng - Tổ trưởng tổ dân phố số 29, Chi hội trưởng Người cao tuổi KDC số 5 cho biết thêm: Lần nào họp tổ dân phố, hội phụ nữ hay người cao tuổi, vì không có chỗ nên chúng tôi đành chỉ mời đại diện.
Theo phản ánh của bà con địa phương, tại khu vực trước đây từng có 4 ao nước: Ao Dài, ao Bô, ao Cá con, ao Ba sào. Ao Dài, ao Cá con, ao Bô đã được UBND TP Hà Nội quy hoạch làm hồ điều hòa, công viên cây xanh, song bị “treo” từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do bị buông lỏng quản lý nên các ao này đã bị san lấp, lấn chiếm, xây dựng nhà ở và cho thuê bán hàng kinh doanh.
Tiếp xúc với phóng viên, ông Hùng, bà Đặng và nhiều đại diện ban, ngành, đoàn thể KDC số 5 như bà Ninh - Trưởng ban Công tác MTTQ, ông Ngọc - Hội Cựu chiến binh, ông Hoàn - Hội Khuyến học, cùng bà con khu vực đều có chung mong muốn xin thành phố điều chỉnh quy hoạch, bố trí cho KDC một phần đất ao Dài để làm nơi sinh hoạt, hội họp của các tổ dân phố và các đoàn thể. Thậm chí, bà con còn đề xuất: “Nếu không được thì cho chúng tôi mượn đất. Nhân dân sẽ tự bỏ tiền ra xây dựng nhà văn hóa. Khi nào thành phố thu hồi làm dự án, chúng tôi xin trả lại”.
Làm việc với UBND phường Hoàng Văn Thụ, ông Đặng Văn Dũng, Chủ tịch UBND phường khẳng định: Nguyện vọng của người dân là chính đáng. Hiện, ngoài KDC số 5, trên địa bàn phường còn KDC số 9, số 10 cũng phải mượn đình, chùa để sinh hoạt, hội họp. Trước kiến nghị của nhân dân, vừa qua UBND phường Hoàng Văn Thụ cũng đã yêu cầu rà soát các khu đất xen kẹt tại khu vực, song không tìm được địa điểm thích hợp.
Về kiến nghị xin đất để làm nhà hội họp phục vụ các nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân, ông Dũng cho biết: Trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri mới ngày 10-12-2016, HĐND phường Hoàng Văn Thụ cũng đề nghị HĐND quận Hoàng Mai có ý kiến với thành phố để có nơi hội họp cho KDC (số 5, 9 và 10). Đây là khu vực có ao nông nghiệp (ao Dài, ao Bô) giao khoán cho dân và đã quy hoạch là ô đất cây xanh, không phù hợp, phường quản lý rất vất vả. Vì vậy, kiến nghị Sở QH-KT và UBND thành phố cho chuyển đổi công năng để thực hiện GPMB làm đất xây dựng nhà văn hóa cho nhân dân thụ hưởng.
"Đất đã được quy hoạch, do UBND thành phố quản lý, việc bà con xin mượn đất, hay xin đất để làm nhà văn hóa, dù nguyện vọng là chính đáng song UBND phường không đủ thẩm quyền để quyết được. UBND phường cũng chỉ biết đề xuất lên quận, xin chủ trương” - Chủ tịch phường Hoàng Văn Thụ giãi bày.
Nhu cầu có nơi sinh hoạt, hội họp của người dân là cần thiết và chính đáng. Việc giải bài toán tìm đất xây dựng nơi hội họp cho người dân là "bài toán" khó nhưng cũng cần sớm tìm ra lời giải.