CPI vẫn trong tầm kiểm soát?
Kinh tế - Ngày đăng : 07:09, 26/12/2016
Khó dự đoán chỉ số giá tiêu dùng vào dịp cuối năm.Ảnh: Anh Tuấn |
Tính đến hết tháng 11, CPI đã tăng 4,5% so với năm ngoái và điều đó có nghĩa là dư địa còn lại cho khả năng tăng CPI chỉ còn 0,5% cho tháng 12 mới đạt chỉ tiêu kế hoạch đã được xác định từ đầu năm là CPI không tăng quá 5%. Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ thực hiện… Có một số diễn biến đáng quan tâm, lưu ý về CPI từ đầu năm đến nay, đó là sự điều chỉnh tăng giá của dịch vụ y tế và giáo dục đã trở thành các yếu tố hàng đầu trong việc kích đẩy CPI trong các tháng giữa năm đến tháng 10.
Bên cạnh đó, nhóm giao thông có lúc tăng khá hoặc giảm rõ nét, dưới tác động của sự tăng, giảm của giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, đây là vấn đề khách quan, bất khả kháng và không thể can thiệp bằng công tác điều hành của cơ quan quản lý bởi nó hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến cung - cầu trên thị trường quốc tế.
Trước tình hình và yêu cầu các cơ quan quản lý, các địa phương khống chế CPI, Chính phủ đã chỉ đạo, cần quyết tâm kiểm soát CPI ở mức hợp lý, tức dưới 5%. Nói cách khác, mức tăng CPI trong tháng 12-2016 không được vượt quá 0,5%. Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến và chỉ đạo các đơn vị, nhất là các doanh nghiệp đầu mối tham gia ổn định thị trường làm tốt công tác chuẩn bị, tồn trữ sản phẩm để phục vụ nhu cầu xã hội dịp cuối năm và Tết Dương lịch.
Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, tăng giá một cách bất hợp lý, có tính chất trục lợi. Một nỗ lực khác được cộng đồng ghi nhận là Chính phủ kiên quyết không cho tăng giá điện bán lẻ trong những tháng cuối năm 2016 bên cạnh việc hối thúc các bộ Y tế, Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động hơn trong việc tổ chức đấu thầu giá thuốc chữa bệnh nhằm kéo giảm giá thuốc bảo đảm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội.
Trong một diễn biến mới nhất, việc xăng dầu vừa tăng giá trong đợt cuối cùng của năm 2016 (riêng giá xăng tăng gần 1.000 đồng/lít) đã gây ra tâm lý lo ngại vì có thể góp phần đẩy CPI lên cao. Tuy nhiên, vấn đề không hẳn như vậy, CPI sẽ tăng khá mạnh, nhưng chỉ gây ảnh hưởng vào chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 của năm 2017. Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, giá xăng dầu luôn là yếu tố “nặng ký”, là "đầu vào" tạo ra sức ép gia tăng CPI, nhưng trong trường hợp tăng giá xăng ngày 20-12 vừa qua sẽ chỉ tác động vào CPI tháng 1-2017.
Ngược lại, CPI tháng 12-2016 lại “được lợi” nhờ đợt giảm giá xăng dầu trước ngày 5-12 tạo thuận lợi đáng kể để kìm hãm đà tăng giá của tháng cuối cùng của năm 2016. Bà Đỗ Thị Ngọc cũng cho rằng, mặc dù vẫn còn những nghi ngại về khả năng CPI tăng vượt ngưỡng 5% ở thời điểm cuối cùng của năm 2016, nhưng nhìn chung vấn đề không đáng ngại. Bởi, sức mua đang ổn định, không có sự gia tăng đột biến trong khi nguồn cung rất phong phú. Các dịch vụ khác cũng không còn dư địa hay nguyên nhân để tăng vọt một cách bất thường.