Thách thức mang tên “thương mại điện tử”
Kinh tế - Ngày đăng : 07:13, 26/12/2016
Việc thu thuế đối với dịch vụ taxi Grab, Uber sẽ đem lại sự công bằng trong hoạt động vận chuyển hành khách bằng taxi. |
Bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp?
Theo văn bản hướng dẫn mới nhất của Tổng cục Thuế, Công ty GrabTaxi sẽ kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân đối với phần doanh thu cá nhân được chia. Trên thực tế, GrabTaxi đã đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và giá trị gia tăng (GTGT) với phần doanh thu được chia khi cung cấp phần mềm gọi xe. Mức thuế GTGT phải đóng là 5% do cơ quan chức năng xác định loại hình dịch vụ mà Grab cung cấp là dịch vụ khoa học công nghệ. Tài xế của Grab đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo hình thức khoán với mức 4,5% doanh số.
Một đơn vị có hoạt động tương tự, Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan tại Việt Nam nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 3%, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ 2% trên phần doanh thu được hưởng. Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan ủy quyền cho Công ty TNHH Uber Việt Nam kê khai, nộp thuế. Cá nhân kinh doanh vận tải, nộp thuế GTGT theo tỷ lệ trên phần doanh thu được hưởng (không bao gồm phần doanh thu của Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan) là 3%, nộp thuế TNCN theo tỷ lệ 1,5%.
Mức thu thuế khác nhau giữa hai dịch vụ tương đương của Uber và GrabTaxi đã khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu có sự ưu ái dành cho Uber? Trả lời thắc mắc này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, sau khi Bộ Tài chính đưa ra mức thuế 3% với Uber, công ty này đã rà soát và thực hiện truy thu thuế từ năm 2014 đến nay và đã nộp đầy đủ vào ngân sách. Với kiến nghị của GrabTaxi, mức thu 5% của DN này là thu trên doanh số bán phần mềm ứng dụng khoa học công nghệ và là mức tạm thu của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh. Sau khi có hướng dẫn chung về loại hình kinh doanh này, Bộ Tài chính sẽ rà soát và tính trên toàn bộ doanh thu của DN về dịch vụ vận tải, bảo đảm công bằng cho tất cả DN.
Thách thức với cơ quan quản lý
Từ câu chuyện thu thuế với Grab và UberTaxi cho thấy, việc chống thất thu thuế cũng như bảo đảm sự bình đẳng trong kinh doanh và cung cấp dịch vụ có liên quan đến thương mại điện tử xuyên biên giới là bài toán khó với các cơ quan quản lý. TS Võ Trí Hảo, Khoa Luật (Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) nhận xét, trước mô hình kinh doanh mới này, các khuôn khổ pháp lý cũ đã trở nên “chật hẹp”. Do mang nhiều tính chất khoa học công nghệ, nên hiện nay vẫn tồn tại quan điểm Uber là mô hình cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ và phải áp mức thuế GTGT 5%.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc cung cấp dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng internet và công nghệ định vị (GPS) là một dạng của dịch vụ vận tải hành khách, trong đó Uber là nhà cung cấp dịch vụ giao kết hợp đồng điện tử giữa lái xe và hành khách. Vì vậy, đây được coi là loại hình thương mại điện tử và áp dụng mức thuế suất như đối với kinh doanh thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, dù Uber Hà Lan không hiện diện ở Việt Nam, nhưng có hoạt động kinh doanh, có thu nhập phát sinh, nên phải nộp thuế theo quy định của Bộ Tài chính. Uber đã kết nối nhu cầu của hành khách với người vận chuyển và toàn bộ doanh thu đưa về tài khoản tại Hà Lan. Sau đó Uber giữ lại 20%, còn lại 80% chuyển cho tổ chức, cá nhân Việt Nam. Như vậy, có thể thấy Uber kiểm soát toàn bộ doanh thu và thuộc hoạt động vận tải, nên phải nộp thuế GTGT theo tỷ lệ trên doanh thu theo quy định của pháp luật Việt Nam là 3%.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Cúc, hiện có nhiều DN hoạt động thương mại điện tử có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng nộp thuế vào ngân sách không đáng kể. Để thu đúng, thu đủ tiền thuế, cần có sự hỗ trợ, vào cuộc của các cơ quan liên quan để xác định luồng tiền thanh toán, truy tìm dấu vết giao dịch… Thậm chí, phải có hỗ trợ của chuyên gia công nghệ thông tin để phục hồi dữ liệu trong trường hợp người kinh doanh xóa thông tin.