Phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa
Văn hóa - Ngày đăng : 07:04, 28/12/2016
PGS.TS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta hoàn toàn có khả năng làm kinh tế một cách văn hóa, tức là "văn hóa hóa” lĩnh vực kinh tế và gia tăng giá trị kinh tế từ hoạt động văn hóa. Chẳng hạn, Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng (Phú Thọ) trong quá trình tổ chức Lễ hội Đền Hùng đã góp phần quan trọng để Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh.
Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ). Ảnh: Trung Kiên |
Ngược lại, nhờ được vinh danh, di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng và Khu di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng được nhiều người biết đến, góp phần quảng bá di sản, phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế cho tỉnh Phú Thọ. Ước tính, nguồn thu từ du lịch của tỉnh Phú Thọ trong năm 2016 tăng hơn 5 lần so với năm 2006.
Tìm hiểu hướng phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TS Trương Thị Thu Hằng, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, du lịch hiện là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; các công trình văn hóa, hoạt động văn hóa, môi trường văn hóa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và được bảo tồn, khai thác một cách hợp lý.
Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định di sản văn hóa, bao gồm cả các công trình di tích, các nghi lễ, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống; các thiết chế văn hóa; các mối quan hệ xã hội, vai trò của người có uy tín… đều là những nguồn lực văn hóa bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững nếu được khai thác, phát huy đúng hướng.
Những thiếu hụt cần được bổ sung
Trong thời kỳ đổi mới, chính sách văn hóa trong kinh tế, kinh tế trong văn hóa, xã hội hóa hoạt động văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa ở nước ta đã góp phần khẳng định vai trò của văn hóa trong quá trình phát triển bền vững đất nước. Nhờ đó, những giá trị tốt đẹp về lối sống, nhân cách con người Việt Nam thời kỳ mới từng bước hình thành; kho tàng di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy giá trị; văn học, nghệ thuật được tạo điều kiện để phát triển…
Tuy nhiên, mức đầu tư ngân sách cho văn hóa hiện nay còn thấp; chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ làm công tác văn hóa còn nhiều điểm bất hợp lý. Một số văn bản pháp luật về văn hóa chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn… Để có thể thực hiện các mục tiêu về phát triển văn hóa, xây dựng con người, theo PGS.TS Nguyễn Văn Cương, cần coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, cho sự phát triển bền vững; cần gắn kết giữa nhiệm vụ kinh tế với nhiệm vụ phát triển văn hóa.
Nhìn từ chính sách vĩ mô, TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, chính sách văn hóa đối với khu vực miền núi còn nhiều bất cập, khó thực thi. Chẳng hạn, chi phí cho hoạt động chiếu phim, biểu diễn văn nghệ, thông tin lưu động… phục vụ đồng bào các dân tộc vùng cao phía Bắc thường cao gấp từ 5 đến 8 lần so với khu vực đồng bằng, nhưng nhiều năm nay, định mức phân bổ chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin căn cứ vào tỷ lệ dân số. Bởi vậy, dù được chi theo đầu người cao gần gấp đôi so với khu vực đồng bằng thì số tiền các địa phương miền núi nhận được vẫn không đáng là bao.
Theo TS Trần Hữu Sơn, miền núi khác với miền xuôi nên chính sách văn hóa đối với khu vực này cũng cần có tính đặc thù. Ở góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) kiến nghị: Các cơ quan chức năng nên coi trọng yếu tố văn hóa nhiều hơn trong tiến trình quy hoạch đô thị.
Thực tế cho thấy, các quốc gia trên thế giới có tốc độ phát triển nhanh, bền vững về mọi mặt đều coi văn hóa, lấy văn hóa làm yếu tố nền tảng. Nhà nước ta luôn coi trọng sự phát triển văn hóa, coi văn hóa là động lực của sự phát triển và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển văn hóa. Những đề xuất, khuyến nghị của các nhà khoa học rất đáng để các nhà quản lý, các cơ quan hữu quan lưu tâm, nhằm bổ sung kế hoạch, giải pháp, chương trình hành động mang tính khả thi, triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương đúng về phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.