Cần lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:53, 28/12/2016
Các doanh nghiệp khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm tới nhà đầu tư. |
Doanh nghiệp khởi nghiệp cần được an toàn
Theo Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh, thành phố đang khẩn trương hoàn thiện các cơ chế chính sách đột phá nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn. Mục tiêu đến năm 2020 thành phố hỗ trợ hình thành 40.000 DN có yếu tố liên quan đến khởi nghiệp. Thời gian qua, thành phố rất quan tâm hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp trong một số ngành như đổi mới ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao… Tuy nhiên, vẫn chưa có đầu mối và bài bản trong thực thi các chính sách hỗ trợ cụ thể nên chưa kêu gọi và có nhiều DN khởi nghiệp như mong muốn. Ngoài ra, thành phố cũng chưa có trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp; DN còn thiếu thông tin thị trường, định hướng sản phẩm; chưa có hành lang pháp lý và các cơ chế chính sách đặc thù cho các hoạt động cho vay, đầu tư khởi nghiệp.
Theo TS Huỳnh Thanh Điền, thành viên Nhóm Tư vấn đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, thông thường các dự án khởi nghiệp mới có khả năng thành công thấp; trong khi đó khởi nghiệp trên nền tảng có sẵn có khả năng thành công cao hơn. Do vậy, cần phải có chính sách thúc đẩy khác nhau. Trách nhiệm của Nhà nước là phải tạo sự an toàn cho người khởi nghiệp để họ yên tâm phát huy khả năng.
Doanh nghiệp khởi nghiệp “khát” vốn
Tại hội thảo “DN khởi nghiệp: Hướng phát triển” vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu cho rằng: Vốn là một trong những yếu tố quan trọng để hiện thực các ý tưởng kinh doanh của DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, dù Chính phủ nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích nhưng các DN khởi nghiệp vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Các vướng mắc chủ yếu là: Ngân hàng khó thẩm định được hiệu quả của phương án kinh doanh khởi nghiệp; DN không có tài sản bảo đảm nợ vay.
Cộng đồng DN khởi nghiệp hầu hết bắt đầu bằng ý tưởng sáng tạo mới mẻ dựa trên kỹ thuật, công nghệ cao, tri thức khoa học, kinh doanh vào lĩnh vực mới. Đặc điểm của loại hình này là ý tưởng sáng tạo phong phú nhưng thiếu kinh nghiệm nên khả năng thành công tương đối thấp. Trong điều kiện hiện nay, ngân hàng không đủ khả năng và nguồn lực để thẩm định hiệu quả thực tiễn cũng như nhu cầu của thị trường "đầu ra" đối với các ý tưởng này. Ngoài ra, việc thiếu các cơ quan hiệp hội chuyên ngành độc lập để đánh giá hiệu quả của các ý tưởng mới cũng gây khó khăn trong quá trình thẩm định, không có đủ cơ sở để ngân hàng đánh giá hiệu quả...
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết thêm, các DN khởi nghiệp thường gặp khó khăn về thủ tục pháp lý, chưa có đầy đủ bộ máy điều hành quản trị, do đó cũng hạn chế trong hồ sơ pháp lý để ngân hàng cấp tín dụng. Hiện trạng chung của DN khởi nghiệp là thiếu minh bạch về báo cáo tài chính tài sản, thuế cũng khiến ngân hàng khó cho vay.
Trong khi việc tiếp cận vốn từ ngân hàng còn nhiều vướng mắc thì với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm là phù hợp với DN khởi nghiệp. Vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ cơ chế, quy định pháp luật để thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm. Ngân hàng có thể góp vốn vào các quỹ này và thông qua đó đưa nguồn vốn đến các DN khởi nghiệp. Ngoài ra, nên xem xét thành lập các trung tâm chuyên ngành uy tín để thẩm định, đánh giá về các dự án, các ý tưởng sáng tạo để ngân hàng dễ dàng hơn trong các quyết định cấp tín dụng, tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp phát triển.