Trông giữ xe trong trường học: Được ít, lo nhiều
Giáo dục - Ngày đăng : 05:36, 29/12/2016
Trông xe máy trong Trường Tiểu học Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh nguồn Báo GTVT |
Rà soát việc trông giữ xe tại trường
Sau sự việc xảy ra, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã rà soát lại công tác bảo đảm an toàn cho HS, hạn chế tối đa những nguyên nhân có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của HS tại trường như đồ dùng, đồ chơi, lan can, cầu thang, cửa sổ, trong đó có cả việc phân luồng giao thông, trông giữ xe máy, xe ô tô tại trường… Tại Cầu Giấy, sau sự việc xảy ra ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên, UBND quận đã họp rút kinh nghiệm với Phòng GD-ĐT quận đồng thời ký ban hành văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn trường học. Yêu cầu được nhấn mạnh với ban giám hiệu các trường học trên địa bàn là tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ, nghiêm cấm xe ô tô, xe máy… không được đi vào sân trường trong giờ học.
Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho biết, trong tuần vừa qua, Phòng GD-ĐT đã tổ chức rà soát, kiểm tra toàn bộ các trường học về việc thực hiện quy định này. Yêu cầu bắt buộc với các nhà trường là trong giờ học tuyệt đối không để xe máy, ô tô di chuyển trong sân trường; ngoài xe của cán bộ, giáo viên và khách, tại trường không được để xe lạ. Tổ công tác đã ghi lại biển số xe của cán bộ, giáo viên nhằm kiểm soát xe không nằm trong quy định. Khu vực để xe phải có hàng rào ngăn cách để không ảnh hưởng đến không gian hoạt động, vui chơi của HS… Cũng theo ông Phạm Ngọc Anh, tại một số trường học trên địa bàn như Tiểu học Trung Hòa, THCS Lê Quý Đôn… vẫn có khách gửi xe ô tô tại trường vào ban đêm. Tuy nhiên, các trường phải thực hiện nghiêm túc quy định di chuyển xe ra khỏi trường trước 6h hằng ngày - thời điểm HS đến trường.
Việc trông giữ xe trong trường học trên địa bàn thành phố bấy lâu nay không phải là chuyện mới. Do nhiều yếu tố, tại nhiều địa bàn vào buổi tối, sân trường học trở thành nơi trông giữ xe cho người dân quanh khu vực. Một lãnh đạo phòng GD-ĐT khi được hỏi cho biết không quản lý về kinh phí thu được từ việc trông giữ xe, hiệu trưởng nhà trường hoàn toàn chịu trách nhiệm về những vấn đề liên quan.
Phạt đến 20 triệu đồng
Theo ghi nhận từ thực tế, tùy theo từng trường, mức thu của mỗi xe ô tô gửi qua đêm tại trường dao động từ 700 nghìn đồng/tháng đến 1,2 triệu đồng/tháng. Số tiền này thường được đưa vào quỹ chung, cũng có nơi chỉ để hỗ trợ thêm cho nhân viên bảo vệ...
Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng, bức xúc trước tình trạng một số trường học tổ chức trông giữ xe ô tô. Ông Nguyễn Văn Định, phụ huynh HS Trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy) cho rằng, bức xúc của các ông bố, bà mẹ không hẳn liên quan đến vấn đề kinh phí nhà trường thu được từ việc trông giữ xe, mà là mối nguy có thể xảy ra nếu xe ô tô di chuyển không đúng quy định, hoặc ảnh hưởng đến không gian hoạt động của HS tại trường.
Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội) khẳng định: Ngành GD-ĐT không có văn bản quy định việc trông giữ xe ô tô trong trường học trên địa bàn thành phố. Theo quy định chung, các đơn vị sự nghiệp công lập không được dùng tài sản để cho thuê mượn, vì vậy, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo ngành là nghiêm cấm các trường học công lập cho thuê mượn địa điểm, sử dụng vào mục đích kinh doanh, sản xuất... Theo báo cáo của một số trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, hiện nay, các xe để trong trường là xe của cán bộ, giáo viên nhà trường, không phải xe của người dân gửi.
Cũng theo ông Nguyễn Viết Cẩn, hiện nay, việc quản lý công sản là do Chi cục Công sản của thành phố thực hiện. Theo quy trình, nếu trường nào tổ chức trông giữ xe phải báo cáo Sở GD-ĐT, Sở sẽ xem xét báo cáo Chi cục Công sản. Tuy nhiên, tinh thần chỉ đạo của Sở GD-ĐT là không cho phép các đơn vị nào tổ chức trông giữ xe tại trường. Nếu phát hiện có trường hợp vi phạm, hiệu trưởng nhà trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Điều 12 Nghị định số 192/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước quy định rõ 3 mức phạt đối với tổ chức có hành vi sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, trong đó mức phạt áp dụng với trường hợp sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp là cao nhất - 20 triệu đồng.
Rõ ràng việc trông giữ xe là không đúng quy định, lại tiềm ẩn mối rủi ro lớn với HS tại trường. Sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên cho thấy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nghiêm khắc và kiên quyết xử lý đối với các đơn vị sử dụng tài sản công sai mục đích, tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc liên quan đến sức khỏe của HS.