Bài 6: Đổi mới công tác dân vận, phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên

Chính trị - Ngày đăng : 07:13, 29/12/2016

(HNM) - Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội đang khẩn trương triển khai Chương trình hành động số 15-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TƯ ngày 30-10-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.


Yêu cầu được Ban Dân vận Thành ủy đặt lên hàng đầu là đổi mới công tác dân vận, phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thực hiện Nghị quyết.

Khởi đầu từ nhận thức

Trong 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nội dung liên quan trực tiếp đến công tác của Ngành Dân vận của Đảng.

Trước hết, các cấp ủy, chính quyền phải nhận thức sâu sắc, quán triệt và thực hiện nghiêm Quyết định số 217-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Đặc biệt là tăng cường công tác dân vận của Đảng và của chính quyền; phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trước mắt, tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề bức xúc của nhân dân.

Cùng với đó là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp, bảo đảm mọi chính sách, pháp luật của Nhà nước phải theo đúng cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng và phải xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

Xây dựng và thực hiện Quy định về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; có hình thức xử lý đối với những tổ chức, cá nhân có chỉ số hài lòng thấp. Xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Vào cuộc kịp thời, thực hiện hiệu quả

Căn cứ nhiệm vụ được giao, đặc biệt để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường hiệu quả của công tác dân vận trong tình hình mới, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ban Dân vận Thành ủy xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung làm tốt trong hệ thống dân vận toàn thành phố.

Trước hết, ban dân vận các cấp ủy cần thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, ban dân vận các cấp phải đổi mới phương thức, cách thức vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố. Muốn làm được như vậy cần chú ý thống nhất, tạo sự đồng bộ trong công tác phối hợp với các ngành để thực hiện công tác dân vận; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác dân vận.

Thứ hai, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân vận phải được nâng lên. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân; giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân.

Thứ ba, tăng cường đổi mới công tác dân vận của Đảng, tập trung thực hiện nêu gương, thực hiện văn hóa ứng xử. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, nhất là nội dung nhân dân làm chủ và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”. Thông qua công tác giám sát, phản biện xã hội và đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân, cấp ủy, chính quyền phải nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa; cán bộ, đảng viên được góp ý phải nghiêm túc tự kiểm điểm, phát huy ưu điểm, hạn chế khuyết điểm, yếu kém để làm gương; tăng cường đấu tranh, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thứ tư, bám sát nội dung chương trình hành động của cấp ủy Đảng, nội dung chương trình phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền để chủ động tham mưu cho cấp ủy thực hiện công tác vận động và chăm lo lợi ích của nhân dân theo tinh thần:“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Hệ thống dân vận phải thường xuyên tìm hiểu tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và chủ động đề xuất cấp ủy có chủ trương, biện pháp xử lý đúng đắn, kịp thời những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Thứ năm, thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, các tôn giáo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô.

Trong những năm qua, công tác dân vận của Thủ đô luôn được cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp quan tâm, có nhiều cách làm hay, sáng tạo, góp phần xây dựng, củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Xác định việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ trọng tâm vừa có ý nghĩa cấp bách vừa cơ bản lâu dài, Ban Dân vận Thành ủy sẽ cùng các cấp, ngành triển khai thực hiện thật tốt theo chức trách nhiệm vụ, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Đảng bộ thành phố ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Nguyễn Lan Hương