Giữ ổn định kinh tế vĩ mô năm 2017

Kinh tế - Ngày đăng : 06:16, 30/12/2016

(HNM) - Ngày 29-12, hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 của Chính phủ tiếp tục diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ở điểm cầu Hà Nội có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cùng các Phó Chủ tịch UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ngành chức năng. Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành đã phác thảo chương trình hành động, phối hợp trong quản lý, điều hành để năm 2017 đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cao hơn năm 2016.


Ảnh: VGP


Cải thiện môi trường đầu tư

Mở đầu phiên thảo luận của ngày làm việc thứ hai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin, thu ngân sách đến thời điểm này đạt 100,7% dự toán, riêng ngân sách địa phương vượt 15%, dự tính đến hết năm vượt khoảng 70.000 tỷ đồng. Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức 36/283 thủ tục hành chính của 10/14 bộ; thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu giảm 35 giờ, nhập khẩu giảm 32 giờ, tiết kiệm khoảng 600 triệu USD. Chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính là sự khích lệ lớn lao đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, người đứng đầu Ngành Tài chính cũng thẳng thắn cho rằng, vẫn còn nhiều phương thức kiểm tra chuyên ngành nặng về hành chính, chậm đổi mới, xã hội hóa, phương tiện nhân lực thiếu và yếu. “Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong thời gian thông quan thì thủ tục của hải quan chiếm 28%, kiểm tra chuyên ngành chiếm 72%. Để tiếp tục rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành chúng tôi tính toán phải sửa đổi, bổ sung 87 văn bản, hiện đã làm được 24 văn bản” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường đầu tư thông thoáng.

Khẳng định tầm quan trọng của hệ thống phân phối bán lẻ nội địa cả trong đóng góp vào tăng trưởng GDP, giải quyết công ăn việc làm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đang xây dựng chiến lược phát triển hệ thống bán lẻ trong nước trong bối cảnh hội nhập. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành hệ thống các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất nội địa.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, bên cạnh cải cách hành chính, đấu tranh phòng chống gian lận thương mại, triệt phá các băng ổ nhóm tội phạm núp bóng các công ty, doanh nghiệp đòi nợ thuê, khai thác khoáng sản; tăng cường công tác quản lý nhà nước về di dân, di cư để bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đời sống người dân cũng là tiền đề giúp doanh nghiệp, kinh tế - xã hội phát triển.

Một giải pháp nữa, nên cân nhắc theo đề xuất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng là tăng cường sự phối hợp giữa Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trong điều hành giá góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức độ hợp lý. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm này, đồng tiền Việt Nam chỉ mất giá khoảng 1,1-1,2%, thanh khoản ngoại tệ trên thị trường vẫn ổn định. Ngân hàng Nhà nước dự kiến, năm 2017 tiếp tục điều hành lãi suất linh hoạt, bám sát các cân đối vĩ mô, tiền tệ; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất trung, dài hạn; kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn...

Theo sát biến động của nền kinh tế

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị chủ đề của năm 2017 phải nhấn mạnh tinh thần "phát triển nhanh và bền vững". Đồng thời yêu cầu Bộ Công Thương tái cấu trúc các lĩnh vực sản phẩm công nghiệp; lựa chọn các sản phẩm chủ lực để ưu tiên phát triển như: Ô tô, may mặc, da giày, đồ gia dụng, điện tử, xây dựng; đặc biệt là gạo, nông, thủy sản. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, Bộ NN&PTNT cần tập trung phòng chống, khắc phục thiên tai; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ GT-VT phối hợp với Bộ Quốc phòng tập trung sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể, nâng công suất Sân bay Tân Sơn Nhất; khẩn trương hoàn thành đề án đường cao tốc Bắc - Nam; nâng cấp hệ thống đường sắt hiện có…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ bồi thường cho bà con gặp sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung để bà con phấn khởi ăn Tết. Bộ TN-MT giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa bảo đảm sản xuất an toàn. Về cải cách hành chính, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Thay mặt Chính phủ, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2017 dự báo vẫn còn rất nhiều khó khăn, để đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp tốt hơn nữa, cả hệ thống bộ máy nhà nước phải chuyển động, theo sát biến động của nền kinh tế, xây dựng chương trình hành động phù hợp với từng thời điểm, đặc biệt là cấp chính quyền cơ sở. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ, rà soát, loại bỏ những quy định bất cập, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu, đẩy mạnh cơ chế khoán, công khai ngân sách, tiết kiệm từng đồng bạc của dân. Đồng thời chống xa hoa, lãng phí, phô trương dưới mọi hình thức, kiên quyết chống lợi ích nhóm...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, năm 2017 phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh nhằm tạo điều kiện để tăng trưởng cao hơn năm 2016. Đặc biệt, trong điều hành chính sách tiền tệ phải giữ được giá trị của đồng tiền Việt Nam. Về triển khai các gói tín dụng có ưu đãi của Chính phủ, Thủ tướng lưu ý Ngân hàng Nhà nước phải có cơ chế để nhiều ngân hàng thương mại cùng tham gia để chống tình trạng độc quyền.

Song song với phát triển kinh tế, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Mục tiêu cuối cùng là không được để dân thiếu cơm, thiếu muối, bệnh tật, con cái phải được đến trường. Để từ đó, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình ổn định đời sống, giữ vững sự tin tưởng với Đảng, Nhà nước, chế độ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Chính phủ thường kỳ tháng 12

Chiều 29-12, ngay sau hội nghị giữa Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12.

Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến vào báo cáo thẩm tra về 5 dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan là Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội; Giao thông Vận tải; Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Dân tộc. Thủ tướng đã đồng ý để Ngân hàng Nhà nước thành lập Vụ Truyền thông, nhưng duy nhất chỉ có Ngân hàng Nhà nước được thành lập thêm Vụ này với điều kiện không được tăng thêm biên chế. Về đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, sau khi nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và các thành viên Chính phủ có ý kiến, Thủ tướng đồng ý kéo dài hiệu lực của Nghị định 67 thêm một năm.

Cũng tại phiên họp, Văn phòng Chính phủ đã thông báo về việc Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đề nghị của Bộ Y tế, tăng giá dịch vụ y tế tại 4 địa phương. Đề nghị này cũng nhận được sự đồng thuận của các Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, cho rằng, việc tăng giá này không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã báo cáo tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017, theo đó dự kiến trong năm 2017, các bộ, cơ quan ngang bộ trình Chính phủ 12 dự án, dự thảo; phối hợp chỉnh lý, trình Quốc hội 25 dự án luật.

Cuối phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2016. Cơ bản các thành viên Chính phủ đều thống nhất cao với kết quả chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ năm qua. Về kiểm điểm công tác điều hành của Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Chính phủ đã phát huy nguyên tắc tập trung, dân chủ, trên tinh thần thẳng thắn, đoàn kết, nhất là trong xây dựng thể chế và chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách. Mặc dù Chính phủ kiện toàn có nhiều thành viên mới, nhưng đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ quản lý điều hành với tinh thần hăng hái quyết liệt và quyết tâm chính trị cao. Bởi vậy đã tạo sự chuyển biến rõ nét trên mọi lĩnh vực.

Thống nhất với những nhận định của các thành viên Chính phủ về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4, duy trì đoàn kết thống nhất, nỗ lực hoàn thành cao nhất nhiệm vụ quản lý điều hành kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Hà Phong