Khơi nguồn nội lực
Văn hóa - Ngày đăng : 07:41, 01/01/2017
Người Hà Nội luôn thân thiện, hiếu khách. Ảnh: Xuân Hưng |
Đưa các danh hiệu văn hóa đi vào thực chất
Nhằm phát huy những giá trị tốt đẹp, hạn chế những yếu tố tiêu cực xâm nhập, tác động vào cộng đồng, năm 2016, Ngành Văn hóa Thủ đô phối hợp với các ngành, địa phương chủ động tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh để nuôi dưỡng, bồi đắp các giá trị văn hóa người Hà Nội.
Trên tinh thần đó, quận Hoàn Kiếm không chạy theo chỉ tiêu thành tích, mà chú trọng vào chất lượng, hiệu quả của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Với danh hiệu gia đình văn hóa, ngoài khung tiêu chí chung, quận Hoàn Kiếm không tổ chức bình xét danh hiệu đối với các gia đình không tham gia họp tổ dân phố, không tham gia tổng vệ sinh môi trường, không treo cờ Tổ quốc vào các ngày lễ, Tết. “Công tác bình xét được tiến hành dân chủ, công khai, khách quan nên tỷ lệ gia đình văn hóa tuy giảm nhưng chất lượng tăng lên vì các hộ gia đình được công nhận là các hộ xứng đáng”, ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho hay.
Tại quận Tây Hồ, mô hình xây dựng “Phường văn hóa” tiếp tục được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La cho biết, đô thị hóa nhanh đã nảy sinh nhiều vấn đề như: Nhà siêu mỏng, siêu méo, xả rác bừa bãi, viết, vẽ bậy trên tường… Chỉ đến khi hiểu rõ lợi ích thiết thực của việc xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, người dân mới đồng lòng, quyết tâm xây dựng phường văn hóa... Ngoài quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cũng có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng các mô hình văn hóa. Nhờ đó, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2016 đã phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu với 86% số gia đình, 55,2% thôn làng, 70% tổ dân phố đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa.
Chủ động tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, Sở VH-TT Hà Nội còn phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) xây dựng mô hình tổ chức, hoạt động của nhà văn hóa dựa trên nhu cầu thực sự của cộng đồng. Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, việc hoàn thiện, phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố tới cơ sở theo hướng để cộng đồng là chủ thể sáng tạo, chủ thể sử dụng, đồng thời là đối tượng thụ hưởng sẽ góp phần khơi dậy sức mạnh văn hóa vốn có trong mỗi con người, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh nuôi dưỡng các thế hệ kế tiếp.
"Đánh thức" tiềm năng di sản
Song song với việc nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, kho tàng di sản văn hóa đồ sộ của Thăng Long - Hà Nội đã và đang được bảo tồn, khai thác hợp lý. Năm 2016, Hà Nội đã công bố kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, kiểm kê di tích và ban hành “Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội”. Với số lượng 1.793 di sản phi vật thể và gần 6.000 công trình di tích - Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về tiềm năng di sản văn hóa.
Để di sản trở thành nguồn lực góp phần phát triển kinh tế, xã hội, các ngành chức năng đã đề xuất các biện pháp bảo vệ đối với từng loại hình di sản. Các di tích, di sản phi vật thể có giá trị đặc biệt, đứng trước nguy cơ mai một được ưu tiên bảo tồn, phát huy giá trị; các di sản khác được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nhằm huy động sức mạnh của cộng đồng vào công tác bảo tồn di sản. Năm 2016, cộng đồng tự nguyện đóng góp hơn 60 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo các công trình di tích. Nhiều di tích trở thành điểm đến có sức hấp dẫn đặc biệt, tiêu biểu, như di tích đền Ngọc Sơn đón gần 1 triệu lượt khách, mang lại nguồn thu hơn 20 tỷ đồng, tăng khoảng 2 tỷ đồng so với năm 2015; Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hơn 1,3 triệu lượt khách, thu gần 40 tỷ đồng, tăng gần 4 tỷ đồng so với năm 2015… Khách đến di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Hà Nội… tăng đột biến. Đáng ghi nhận hơn, đa số di sản phi vật thể được cộng đồng tự nguyện bảo vệ, giữ gìn. Ông Dương Minh Châu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố khẳng định, nghệ thuật hát tuồng ở xã Đồng Thái (Ba Vì) có thể hồi sinh là nhờ ông Chu Thời Chung, thôn Đồng Bảng cùng một số người tâm huyết. Nghệ thuật hát chèo làng Hạ, xã Phù Lưu Tế (Mỹ Đức) sẽ đi vào quên lãng nếu không có người đứng ra thành lập câu lạc bộ, vận động hội viên tham gia như bà Nguyễn Thị Thanh...
Thực tế cho thấy, các di sản khi được bảo tồn theo hướng khoa học, bền vững đã mang lại nguồn lợi trực tiếp cho cộng đồng. Theo lương y Lý Văn Nguyên, xã Ba Vì, việc triển khai đề án bảo tồn tri thức làm thuốc Nam của đồng bào Dao (Ba Vì) đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây, tri thức làm thuốc Nam sẽ được trao truyền từ đời này sang đời khác. Ông Đinh Công Tuân, Chủ tịch UBND xã Yên Trung (Thạch Thất) cho biết thêm, các di sản dân tộc thiểu số được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị đã góp phần đưa Yên Trung trở thành điểm sáng văn hóa với hơn 90% hộ gia đình, 7/7 thôn, bản đạt danh hiệu văn hóa; các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước các tiêu chí khác. Qua đó có thể khẳng định, kế hoạch "đánh thức" tiềm năng di sản văn hóa của Ngành Văn hóa Thủ đô là hướng đi đúng đắn. Tại hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Sở VH-TT Hà Nội vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh: "Đánh thức" tiềm năng di sản văn hóa là một trong những cách Hà Nội khơi nguồn nội lực để phát triển văn hóa, xây dựng con người trong thời kỳ mới và khuyến khích các ngành, các địa phương nỗ lực thực hiện.