Khẳng định vị thế, vun đắp niềm tin
Đối ngoại - Ngày đăng : 08:19, 01/01/2017
Tổng thống Mỹ Barack Obama vui vẻ chào người dân trong chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Khánh Huy |
Khẳng định vị thế
Những biến động từ Trung Đông với cuộc chiến tại Syria, Iraq tới cuộc khủng hoảng di cư chưa dừng tại Châu Âu cũng như phán quyết của Tòa án trọng tài Thường trực (PCA), Hà Lan, bác bỏ yêu sách vô lối của Trung Quốc tại Biển Đông… cho thấy không một quốc gia nào có thể đơn phương giải quyết các thách thức trong xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra.
Trong bối cảnh đó, đối ngoại Việt Nam năm 2016 không ngừng được đổi mới từ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước đến đối ngoại Quốc hội và ngoại giao nhân dân. Nền đối ngoại rộng mở đó được khẳng định bằng thực tiễn về một nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng vào thị trường tại hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên nền tảng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà Việt Nam là một thành viên. Cũng trong năm qua, chúng ta đã đàm phán, ký kết nhiều FTA quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA)… Triển khai và hoàn tất 17 FTA với các nước từ Xuân này đến năm 2020, hứa hẹn Việt Nam là tâm điểm FTA trong tương lai gần tại khu vực và xuyên lục địa với 58 đối tác. Trong đó, có 5 thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chiếm trên 80% GDP toàn cầu.
Thành tựu đối ngoại trên các lĩnh vực năm qua càng khẳng định tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế từ diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc (LHQ) cũng như tại các cơ chế song phương tại khu vực. Những sự kiện đối ngoại đa phương của Việt Nam kết thúc trong năm 2016 như: Đảm nhiệm thành công vai trò thành viên tại Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Và, Việt Nam tiếp tục sứ mệnh tại Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018, Ủy ban Di sản thế giới (nhiệm kỳ 2013-2017), Hội đồng Chấp hành UNESCO (nhiệm kỳ 2015-2019)...; đồng thời khẳng định vai trò tích cực tại các diễn đàn khu vực và liên khu vực như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC)… Một thể hiện sinh động được ghi nhận là Việt Nam đang từng bước đóng góp có hiệu quả trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ; đồng thời là một trong số ít quốc gia hoàn thành trước hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của LHQ. Việt Nam năm qua đã tỏ rõ vai trò và đang đi đầu cùng các thành viên xây dựng Cộng đồng ASEAN, củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc khu vực...
Trong năm mới 2017, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy ứng cử làm thành viên không Thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 cũng như tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ vì một thế giới tốt đẹp hơn. Ngay trong những ngày đầu năm 2017 này, Thủ đô Hà Nội cùng cả nước bước vào một năm mới với sự kiện đối ngoại đa phương nổi bật, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế: Năm APEC tại Việt Nam. Với những thành tựu trên các hoạt động đa phương cũng như song phương làm dấy lên tin tưởng về một APEC thành công mang đậm dấu ấn Việt Nam.
Vun đắp niềm tin
Cách đây 24 năm, vào dịp Xuân Quý Dậu (đầu tháng 2-1993), Thủ đô Hà Nội đón chào Tổng thống Pháp Francois Mitterrand - nguyên thủ đầu tiên của G7 - thăm Việt Nam. Theo lịch trình được tiết lộ, nguyên thủ Pháp yêu kiến trúc - sau khi thăm đền Ngọc Sơn - sẽ đi bộ vào phố Hàng Đào, Hàng Ngang và Hàng Đường để đến thăm chợ Đồng Xuân. Đường đã được “mở” sẵn. Nhưng thật bất ngờ, khi đến Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Tổng thống F.Mitterrand đã đột ngột đổi hướng. Ông bước qua đoạn thừng an ninh “khóa” ngang, ngay đầu phố Hàng Gai - chỗ thấp nhất cách mặt đường chừng 40cm - từ hai chiếc mô tô ba bánh trước sự ngỡ ngàng của các nhân viên an ninh hai nước và đặc biệt là của người dân phố cổ. Từ trên nhiều ban công dọc Hàng Gai - bên những chậu quất đón Xuân trĩu quả - người hàng phố đón chào vị nguyên thủ bằng cả hai thứ tiếng Việt và Pháp khiến Tổng thống F.Mitterrand nhiều lần hướng lên và đáp lại…
Kể từ thời điểm Tổng thống F.Mitterrand băng qua đoạn thừng nơi đầu phố Hàng Gai - như một biểu tượng về lòng tin - đối ngoại Việt Nam đã sải những bước dài trong quan hệ quốc tế trên phạm vi toàn cầu. Sự hiện diện tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp các châu lục được kế thừa và hoàn thiện trong năm 2016 đã chỉ ra thời kỳ đối ngoại chủ động vì hòa bình của Việt Nam hôm nay.
Cùng với các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các nước trong năm qua là những tên tuổi “dễ nhớ” đã đến và để lại không ít ấn tượng trên phố phường Hà Nội khi đến thăm Việt Nam. Đó là những bước chân Tổng thống Mỹ Barack Obama trên phố Lê Văn Hưu, Tổng thống Pháp Francois Hollande trên phố Hàng Bạc, Mã Mây và Hoàng tử Anh William trên phố Thuốc Bắc, Lãn Ông… Và dường như tất cả đều ấn tượng về an ninh không thể tốt hơn và lòng hiếu khách của người dân Thủ đô - “Thành phố Vì hòa bình”.
Đến nay, tổng số dự án FDI còn hiệu lực ở Việt Nam là hơn 20.000 dự án, với tổng vốn đăng ký là gần 300 tỷ USD. Trên 100 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới đã và đang hiện diện trên khắp các vùng, miền tiếp tục khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư tại Việt Nam trong năm qua. Việt Nam cũng đã đàm phán thành công các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia trên khắp các lục địa mở ra triển vọng mới cho sự phát triển của đất nước.
Năm mới 2017 được đánh dấu bằng sự kiện năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng với 159 sự kiện quốc tế lớn nhỏ diễn ra trong suốt năm nay. Đây là dịp để Việt Nam tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với các nền kinh tế thành viên APEC, tạo thêm cơ hội phát triển và hội nhập sâu hơn cho đất nước...
Thành công và những bài học qua các thời kỳ trong lịch sử đối ngoại Việt Nam hiện đại hứa hẹn về một nền đối ngoại chủ động vì hòa bình tiếp tục gặt hái những thành tựu mới; vượt lên những thách thức để đưa đất nước tiếp tục phát triển trong năm mới 2017.