Giới trẻ chung tay giải quyết các vấn đề xã hội bằng ứng dụng CNTT
Công nghệ - Ngày đăng : 12:37, 04/01/2017
Youth Hack – Code for Change là sân chơi sáng tạo dành cho các chuyên gia công nghệ và xã hội trẻ tuổi, với mong muốn đi tìm những giải pháp thông minh áp dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề xã hội do UP, Thành đoàn Hà Nội, cùng các đối tác tổ chức.
Đây là hoạt động thiết thực dành cho giới trẻ, trong bối cảnh Việt Nam nóng lên với một loạt những chủ đề cấp thiết của xã hội trong năm 2016 như: cá chết hàng loạt, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, xâm hại tình dục trẻ em, thực phẩm kém an toàn...
Phó Bí thư thường trực Thành đoàn Hà Nội Trần Anh Tuấn chia sẻ một số cảm nghĩ tại sự kiện khai mạc chuỗi ngày chung kết cuộc thi Youth Hack - Code for Change. |
Được phát động vào tháng 10/2016, Youth Hack–Code For Change năm thứ hai (2016) đã nhận được 60 sáng kiến trên toàn quốc được gửi về, đề cập đến các vấn đề nổi cộm trong mọi lĩnh vực, từ môi trường, giáo dục, đến y tế, quản trị công. Dựa trên bốn tiêu chí đánh giá về: hiệu quả tác động, tính khả thi, tính đột phá, khả năng và kinh nghiệm thực hiện dự án, 14 sáng kiến xuất sắc đã được lựa chọn để tiếp tục tranh tài trong vòng chung kết, diễn ra từ ngày 4 đến 6/1/2017.
Phát biểu tại buổi khai mạc chuỗi ngày chung kết, tiến sĩ Trần Anh Tuấn - Phó Bí thư thường trực Thành đoàn Hà Nội - đánh giá cao tính thiết thực của các sáng kiến tham gia tranh tài, cho rằng cuộc thi là cầu nối quan trọng để những ý tưởng kết nối được với các nhà đầu tư, từ đó mang đến những lợi ích tốt hơn cho đời sống xã hội.
Các chuyên gia tham gia toạ đàm về những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay, ngay trước phần thi chung kết. |
Trong số các sáng kiến lọt vào vòng chung kết, một số ý tưởng tiêu biểu có thể điểm tới như:
Vietnam Waterwatch: ứng dụng thông minh giúp người dân, nhà nghiên cứu và chính quyền địa phương chung tay giám sát nước và chia sẻ thông tin kịp thời, giúp cải thiện công tác quản lý chất lượng môi trường nước. Ứng dụng cũng giúp việc tiếp cận với thông tin chất lượng nước được thường xuyên, nhanh chóng và trực quan nhất.
City Flow: nền tảng mở cung cấp cho người dân trong các đô thị lớn cái nhìn bao quát về tình hình giao thông một cách thuận tiện nhất, cũng như thông tin về tình hình ngập nước, kẹt xe khi tham gia lưu thông. City Flow cũng là một công cụ giúp phân bổ hướng giao thông hợp lý, cùng với số liệu thống kê về khu vực ngập. Từ đó giúp cho nhà nước quản lý các tuyến đường và đưa ra các giải pháp cải thiện tốt hơn.
Cộng đồng Nhân ái: tạo kênh kết nối, chia sẻ thông tin về các hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ và các hoạt động thiện nguyện tới cộng đồng, để ai cũng có thể tham gia các hoạt động thiện nguyện một cách chủ động và ý nghĩa, hỗ trợ tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân tham gia.
Lớn lên an toàn: chương trình truyền thông – giáo dục nhằm phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Với phương châm giáo dục không gây sợ hãi, nhóm Lớn Lên An Toàn muốn truyền đi thông điệp này thông qua một trò chơi trên nền tảng ứng dụng di động. Đó sẽ là một công cụ đắc lực, với đủ các yếu tố: hấp dẫn, bổ ích, gần gũi, để hỗ trợ phụ huynh trong việc giáo dục giới tính cho con.
GIS: ứng dụng cảnh báo sớm nguy cơ lũ quét và sạt lở đất tại huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La do Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học & Công nghệ nghiên cứu phát triển. Hệ thống cảnh báo lũ quét và sạt lở đất dự kiến được xây dựng dựa trên ứng dụng công nghệ GIS, WebGIS, SMS…bằng việc tích hợp các dữ liệu liên quan đến các yếu tố tự nhiên (địa hình, thực phủ, thủy văn, lượng mưa), các yếu tố kinh tế (sử dụng đất), cơ sở hạ tầng (giao thông, công trình phòng chống lũ quét, sạt lở đất) và yếu tố xã hội (con người).
Theo thông tin từ Ban Tổ chức, phiên thuyết trình các ý tưởng lọt vào vòng chung kết và Lễ Trao Giải Youthack – Code For Change cũng sẽ mở cửa cho các cá nhân và tổ chức quan tâm. Các đội thắng giải sẽ nhận được phần hỗ trợ tài chính lên tới 10,000 USD-15,000 USD/sáng kiến, song song với nhiều hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tư vấn chuyên môn từ các chuyên gia trong suốt năm 2017.