Diện mạo mới cho vận tải hành khách công cộng

Kinh tế - Ngày đăng : 06:59, 04/01/2017

(HNM) - Năm 2017, loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của TP Hồ Chí Minh được xác định là năm bản lề trong việc thực hiện theo 7 chương trình đột phá của thành phố, với hy vọng sẽ tạo ra một diện mạo mới, góp phần kiềm chế và giảm ùn tắc giao thông.


Hiện TP Hồ Chí Minh đã thay mới 753 xe buýt trên 44 tuyến có trợ giá, trong đó có 132 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG). Nếu tính cả 66 xe buýt mới đưa vào hoạt động năm 2015, thì theo đề án thay thế mới 1.680 xe buýt, năm 2017 TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành thay mới 861 xe buýt còn lại. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình thay đổi bộ mặt mới, diện mạo mới cho loại hình VTHKCC, thu hút ngày càng nhiều người dân thành phố tham gia loại hình vận tải chủ lực này.

Theo 7 chương trình đột phá của TP Hồ Chí Minh đề ra, đến năm 2020 loại hình VTHKCC phải đáp ứng từ 15 đến 20% nhu cầu đi lại của người dân. Do đó, để thực hiện được mục tiêu này, năm 2017, Trung tâm thực hiện đồng bộ một loạt giải pháp trọng tâm để “kéo” người dân về với xe buýt. Cụ thể, bảo đảm thời gian trên từng lộ trình của các tuyến; lưu thông thuận lợi và an toàn; tổ chức một số tuyến đường có làn ưu tiên cho xe buýt khu vực trung tâm thành phố; tiếp tục mở một số tuyến kết nối từ các bến xe lớn với Sân bay Tân Sơn Nhất; rà soát, điều chỉnh một số tuyến nhằm tránh trùng lắp; khai thác và mở rộng thêm các tuyến ở các khu công nghiệp, trường học… nơi có hàng triệu công nhân, học sinh và sinh viên.

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm cho biết, năm 2017 sẽ đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống hạ tầng như lắp đặt thêm nhà chờ, trạm dừng, đặc biệt hạ tầng dành riêng cho người khuyết tật để đến năm 2020 phấn đấu ít nhất có 15% số lượng phương tiện xe buýt phục vụ cho đối tượng này. Về ứng dụng khoa học - công nghệ, năm 2017, theo chủ trương của UBND thành phố sẽ đồng loạt triển khai sử dụng vé điện tử thông minh thay cho vé thường hiện nay; tiếp tục đẩy mạnh việc lắp đặt camera, thiết bị giám sát hành trình, hệ thống rao trạm; công nghệ thông tin, wifi miễn phí… trên xe buýt; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân tích cực tham gia đi lại bằng xe buýt.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, sở, ngành liên quan để cùng xây dựng và phát triển hoàn thiện loại hình VTHKCC; đồng bộ hạ tầng kết nối giữa các loại hình, tuyến vận tải; kéo dài thời gian phục vụ, nhất là vào ban đêm trên một số tuyến trên cơ sở khảo sát, lấy ý kiến người dân để phù hợp với thực tế. Đặc biệt, Trung tâm sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ hành khách cho tài xế và tiếp viên để đưa loại hình VTHKCC ngày càng thân thiện trong mắt người dân.

“Tất cả những sự thay đổi mạnh mẽ trên nhằm tạo hình ảnh hoàn toàn mới về loại hình VTHKCC chủ lực này để rồi cung cấp những dịch vụ tốt nhất theo nhu cầu của người dân, với phương châm: Cung cấp những gì người dân cần chứ không phải cung cấp những gì đã có cho người dân”, ông Trần Chí Trung khẳng định.

Năm 2017, Trung tâm quản lý và điều hành VTHKCC TP Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu thu hút 600 triệu lượt hành khách đi lại bằng xe buýt, tăng 5% số lượng so với năm 2016. Đến năm 2020, loại hình VTHKCC bằng xe buýt phải đáp ứng từ 15 đến 20% nhu cầu đi lại của người dân TP Hồ Chí Minh.

Hà Phạm