Năm 2017, lãi suất sẽ được điều hành như thế nào?

Kinh tế - Ngày đăng : 18:10, 04/01/2017

(HNMO) - Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, NHNN xác định mục tiêu năm 2017 là ổn định mặt bằng lãi suất như năm 2016, nếu có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay với đối tượng và kỳ hạn cụ thể.

Tại buổi họp báo ngày 4/1, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có lãi suất, tỷ giá.

Ổn định mặt bằng lãi suất như năm 2016, phấn đấu giảm lãi suất cho vay

-Sứ mệnh của NHNN là điều hành kiểm soát lạm phát. Vậy, năm 2017 NHNN có thấy thách thức và khó khăn trong kiểm soát lạm phát năm 2017 không, thưa bà?

-Năm 2017, nhiệm vụ Quốc hội đặt ra là lạm phát bình quân ở mức 4%, thấp hơn 4,74% của năm 2016 nhưng có điểm khác biệt là năm 2017 chúng ta thực hiện kiểm soát lạm phát theo cách tính mới là cách tính lạm phát bình quân.

Năm 2016 lạm phát là 4,74%. Như vậy để đưa lạm phát bình quân theo cách tính mới thì việc kiểm soát lạm phát năm 2017 là rất khó khăn.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời câu hỏi của báo chí


Quay trở lại năm 2016, Chính phủ đánh giá là năm thành công trong kiểm soát lạm phát, hiếm năm nào mức lạm phát thực tế sát chỉ tiêu Quốc hội như vậy (4,74% trong khi chỉ tiêu của Quốc hội là dưới 5%%). Có được thành công này nhờ việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã kiểm soát lạm phát cơ bản ở trong khoảng 1,6-1,9% của năm 2016. Đây là mức lạm phát cơ bản ổn định cho phép có dư địa điều chỉnh các mặt hàng về dịch vụ, y tế. Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là Ban chỉ đạo điều hành giá, NHNN và các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, định kỳ họp và đưa ra liều lượng, mức độ điều chỉnh phù hợp. Vì thế năm 2017, trước thách thức của việc kiểm soát lạm phát, trong cuộc họp cuối năm của Ban chỉ đạo điều hành giá, các bộ, ngành và NHNN đã thống nhất được cách thức tổ chức, tiếp tục phối hợp chặt chẽ và điều hành cách thức như năm 2016.

Về phía NHNN, Thống đốc đã quyết định đưa chỉ tiêu định hướng cho mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phát triển kinh tế. Theo đó, Thống đốc cho phép định hướng tăng trưởng tín dụng nằm ở mức khoảng 18%, tổng phương tiện thanh toán tăng 16-18%. Cách thức tổ chức điều hành của NHNN tùy theo diễn biến thực tế có điều chỉnh phù hợp để kiểm soát lạm phát ở mức như Quốc hội đề ra.

-Chính phủ chỉ đạo NHNN điều hành phấn đấu giảm lãi suất cho vay, làm thế nào để đạt mục tiêu đó?

-Cũng như năm 2016, năm 2017 lạm phát gia tăng trở lại, cầu trong nước trở lại, khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành tiếp tục lớn, đây là những yếu tố sẽ tác động đến việc điều hành, làm cho việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), đặc biệt là điều hành lãi suất rất khó khăn. NHNN xác định đặt mục tiêu năm 2017 phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất như năm 2016, nếu có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay với đối tượng và kỳ hạn cụ thể.

Để đạt được như vậy, năm 2017 chúng tôi sẽ tiếp tục điều hành thông qua thị trường liên ngân hàng, qua các kênh nghiệp vụ thị trường mở điều tiết thanh khoản và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức hợp lý để các tổ chức tín dụng (TCTD) nếu có khó khăn về thanh khoản có thể tiếp cận được nguồn vốn này mà không phải huy động trên thị trường 1 (thị trường diễn ra hoạt động huy động và cho vay giữa các ngân hàng thương mại và người dân), làm tăng lãi suất trên thị trường 1.

Đồng thời NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD, bản thân các TCTD phải cân đối cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý, thực hiện chi phí hoạt động ngân hàng hợp lý để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Các TCTD phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, đặc biệt sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, vì nợ xấu được xử lý thì tất cả các vấn đề về cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn, tiết kiệm chi phí sẽ dễ dàng đạt được.

-Thưa bà, thị trường tài chính diễn biến phức tạp, khó lường, NHNN sẽ điều hành tỷ giá thế nào trong năm 2017?

-Từ năm 2016, NHNN đã chuyển sang cách điều hành tỷ giá mới là tỷ giá trung tâm, công bố hàng ngày trên cơ sở biến động đồng tiền của các quốc gia có tỷ trọng thương mại và đầu tư lớn với Việt Nam; diễn biến thị trường ngoại tệ trong nước; xem xét đảm bảo tỷ giá biến động phù hợp với cân đối vĩ mô của nền kinh tế cũng như phù hợp mục tiêu CSTT. Cách thức điều hành này đã phát huy kết quả ban đầu, giúp thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định.

Trong năm 2017 NHNN sẽ tiếp tục điều hành theo cách thức đó. Kinh tế thế giới và thị trường tài chính trong nước tại thời điểm này có nhiều dự báo khác nhau vì chưa rõ chính sách kinh tế của tân Tổng thống Mỹ thực tế như thế nào và phản ứng của thị trường ra làm sao, Fed tăng số lần điều chỉnh nâng lãi suất…Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, độ mở cửa nền kinh tế cũng khá lớn so với các nước trong khu vực thì những diễn biến đó sẽ tác động không chỉ về yếu tố kinh tế mà còn tác động đến tâm lý, kỳ vọng tại thị trường trong nước. Vì vậy, việc điều hành chính sách tỷ giá và thị trường ngoại hối đòi hỏi các đơn vị, chức năng của NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường, theo dõi hàng ngày, hàng giờ, sẵn sàng phương án dự phòng để phản ứng nhanh trước biến động của thế giới và trong nước.

Tái cơ cấu là quá trình thường xuyên, liên tục


Trong lúc thị trường có biến động lớn, NHNN sẽ thực hiện các giải pháp cần thiết để can thiệp thị trường, ổn định. Với việc điều hành các giải pháp công cụ tiền đồng như điều tiết thanh khoản, lãi suất… NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với việc điều hành chính sách tỷ giá để ngăn chặn hiện tượng đầu cơ trên thị trường. Chúng tôi sẽ theo dõi, tổng hợp thông tin về các giao dịch ngoại hối, phân tích số liệu để điều chỉnh giải pháp điều hành nếu cần thiết, nhằm ổn định thị trường.

-Một số ý kiến nhận định tình hình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng năm 2016 khá yên ắng. Bà có nghĩ như vậy?

-Thực sự không phải là yên ắng mà việc thực hiện bước tái cơ cấu (TCC) các TCTD và xử lý nợ xấu là việc rất trọng tâm của NHNN trong chỉ đạo, điều hành năm 2016. Với công tác TCC, NHNN đã tiếp nối công việc giai đoạn trước, thực hiện đánh giá, tổng kết lại tất cả quá trình TCC trong những năm 2011-2015. Đối với các ngân hàng được mua với giá 0 đồng, NHNN tăng cường kiểm soát, TCC, giám sát chặt chẽ hoạt động, căn cứ diễn biến thực tiễn của ngân hàng để chỉ đạo, điều hành cụ thể. Thống đốc quyết liệt chỉ đạo đơn vị chức năng xây dựng, đánh giá toàn diện đề án để triển khai ngân hàng 0 đồng, đã xin ý kiến các bộ, ngành ngành liên quan, đã trình Chính phủ, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị, Bộ Chính trị đã cho ý kiến chỉ đạo, hiện NHNN đang hoàn thiện theo ý kiến chỉ đạo của các cấp, sau đó trình Thủ tướng để triển khai.

Về đề án TCC gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, NHNN đã đánh giá toàn diện, xin ý kiến các bộ, ban, ngành. Để đánh giá tổng kết quá trình TCC giai đoạn vừa qua, đề xuất, xin ý kiến các bộ, ban, ngành và giải pháp TCC giai đoạn 2016-2020 là khối lượng công việc lớn mà NHNN đã và đang quyết liệt triển khai.

NHNN vẫn quán triệt dù giải pháp TCC được phê duyệt hay chưa thì trong chỉ đạo điều hành, NHNN luôn chỉ đạo các TCTD thực hiện TCC theo phương châm đề ra. Đó là, TCC là quá trình thường xuyên, liên tục, không chỉ với hệ thống TCTD mà là với từng TCTD.

-Thưa bà, trong giai đoạn tới NHNN sẽ thực hiện biện pháp gì để xử lý triệt để nợ xấu và kiểm soát nợ xấu không phát sinh?

Để xử lý triệt để nợ xấu, trong đề án TCC gắn với xử lý nợ xấu 2016-2020 NHNN đánh giá thực trạng và chỉ ra tất cả khó khăn vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu, đặc biệt là khó khăn liên quan đến căn cứ về pháp lý, NHNN đã kiến nghị Chính phủ và các cấp sửa đổi để hỗ trợ xử lý nợ xấu, đặc biệt là vấn đề liên quan đến bán tài sản bảo đảm.

Việc kiểm soát nợ xấu mới phát sinh được thể hiện ở nhiều góc độ. Thống đốc đã quán triệt phương châm là mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả và hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, không vào lĩnh vực rủi ro dễ phát sinh nợ xấu; NHNN chỉ đạo các TCTD cân đối nguồn vốn hợp lý và kiểm soát chặt chẽ rủi ro. 

Thanh Hương (ghi)