Cần giải pháp đột phá gắn với trách nhiệm người đứng đầu

Đời sống - Ngày đăng : 06:33, 05/01/2017

(HNM) - Mặc dù tình hình tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí trong năm 2016 song vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Vì vậy, trong năm 2017, cần có các giải pháp vừa mang tính đột phá, vừa mang tính bền vững, đặc biệt là gắn với trách nhiệm người đứng đầu để thực hiện tốt hơn công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT).


Riêng với hoạt động xe buýt nhanh BRT thí điểm của Hà Nội, phải xử phạt nghiêm việc lấn làn để phát huy hiệu quả dự án, tạo sự thay đổi về ý thức. Đây là những nội dung được thảo luận nhiều tại hội nghị tổng kết ATGT năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, do Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức ngày 4-1.

Còn tình trạng buông lỏng quản lý

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, năm 2016, toàn quốc xảy ra 21.589 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.685 người, bị thương 19.280 người. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 1.261 vụ (5,52%), giảm 43 người chết (0,49%), giảm 1.792 người bị thương (8,5%); trong đó, 40 địa phương giảm số người chết nhưng vẫn có 20 địa phương tăng số người chết vì tai nạn giao thông.


Với áp lực dân số ngày càng tăng, Hà Nội cần được ưu tiên nguồn vốn để phát triển công trình hạ tầng nhằm giảm ùn tắc giao thông. Trong ảnh: Cầu vượt nút giao Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái đưa vào khai thác góp phần tích cực giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực. Ảnh: Viết Thành


Về tình hình ùn tắc giao thông, cả nước xảy ra 41 vụ ùn tắc kéo dài (chủ yếu là trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tuyến quốc lộ 1), so với năm 2015, giảm 4 vụ (tương đương 10,81%). Trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng còn tồn tại các điểm dễ xảy ra ùn tắc giao thông phức tạp, kéo dài, như tại các đầu mối giao thông lớn, nút giao chưa có cầu vượt giữa đường trục hướng tâm và tuyến vành đai...

Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá, năm 2016 chỉ giảm được 0,49% tỷ lệ số người chết vì tai nạn giao thông là chưa đạt mục tiêu đề ra; đặc biệt số người chết vì tai nạn trong các tháng 5, 6, 8, 11 và tháng 12-2016 tăng so với cùng kỳ 2015. Nguyên nhân, do một số địa phương buông lỏng quản lý về ATGT, kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải, kỹ thuật phương tiện; việc gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị và địa phương còn mang tính hình thức.

Cũng theo Ủy ban ATGT quốc gia, hiệu lực và chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tại một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa duy trì thường xuyên; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát hạn chế về năng lực, trách nhiệm, dung túng vi phạm. Thậm chí có tiêu cực, làm trái quy định, như vụ việc bị phát hiện tại Thanh tra GT-VT Cần Thơ, Hà Tĩnh.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, tình trạng xe chở quá tải trọng cho phép lại tái hoạt động mạnh và ngày càng tinh vi. Cùng với đó, tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động tại các trạm BOT và các đường cao tốc chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến ùn tắc tại một số trạm thu phí dịp cao điểm, gây bức xúc dư luận.

Quyết liệt trong tổ chức giao thông, xử lý vi phạm

Báo cáo công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn Thủ đô, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền, từng bước xây dựng văn hóa giao thông. Hà Nội cũng đã hoàn thành một số công trình trọng điểm, cấp bách giảm ùn tắc giao thông; sắp xếp, điều chuyển các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh theo đúng định hướng quy hoạch. Cùng với đó, thành phố đã hợp lý hóa, điều chỉnh và mở rộng vùng phục vụ của xe buýt, cải thiện dịch vụ để thu hút người dân sử dụng. Đặc biệt, Hà Nội đã khẩn trương hoàn thiện các hạng mục của tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa và đưa vào khai thác từ ngày 31-12-2016, được nhân dân đánh giá cao...

Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình chỉ rõ: Kết quả chưa đáp ứng yêu cầu bởi ở nhiều bộ, ngành, địa phương, việc gắn trách nhiệm người đứng đầu chưa đi vào thực chất. Hạ tầng giao thông tuy được cải thiện căn bản nhưng vẫn còn tồn tại những điểm "đen", tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Hiệu lực và chất lượng của công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế, trong khi ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao; ứng dụng khoa học, công nghệ còn hạn chế làm giảm hiệu quả của công tác quản lý nhà nước...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu: Năm 2017 phải xử lý dứt điểm các điểm "đen" thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Các cơ quan trung ương và địa phương phải mở đường dây nóng, hộp thư điện tử để nhân dân phản ánh về bất cập hạ tầng, tổ chức giao thông; đồng thời xử lý nghiêm vi phạm, kể cả với người thực thi công vụ. Không thể để tình trạng người vi phạm khi bị tuýt còi thì ngay lập tức gọi điện thoại nhờ người thân trợ giúp, hoặc chấp nhận tiêu cực…

Riêng với vấn đề xe buýt nhanh BRT của Hà Nội, đề nghị các cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền, phân luồng hướng dẫn giao thông, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp lấn làn, để xe buýt nhanh thực sự phát huy hiệu quả. "Phải làm quyết liệt như cách Hà Nội tổ chức, sắp xếp, điều chuyển các phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh thời gian qua..." - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Lương Ninh Giang