Kiếm quốc tế và những nỗi lo khó giấu
Thể thao - Ngày đăng : 06:49, 06/01/2017
Giành 4 suất tham dự Olympic 2016 thực sự là kỳ tích của các VĐV kiếm quốc tế Việt Nam trong năm 2016, đặc biệt là các VĐV thuộc CLB Kiếm quốc tế Hà Nội bởi cả 4 kiếm thủ (Vũ Thành An, Nguyễn Thị Lệ Dung, Nguyễn Thị Như Hoa, Đỗ Thị Anh) giành vé tham dự đều thuộc CLB này. Không chỉ có vậy, tại Olympic 2016, hai kiếm thủ là Vũ Thành An và Đỗ Thị Anh đã lọt vào nhóm 16 kiếm thủ xuất sắc nhất. Đến cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu toàn quốc năm 2016, Vũ Thành An lọt vào nhóm 10 VĐV hàng đầu và Đỗ Thị Anh cũng có tên trong danh sách đề cử. Còn ở Lễ vinh danh HLV, VĐV tiêu biểu Hà Nội năm 2016, cả 4 kiếm thủ Hà Nội giành vé dự Olympic 2016 đều có tên. Đến khi UBND TP Hà Nội khen thưởng các cá nhân xuất sắc của Sở VH-TT Hà Nội năm 2016, cũng vẫn 4 kiếm thủ trên có trong danh sách được tôn vinh. Tất cả khiến vị thế của kiếm quốc tế khác hẳn trước đây, trở thành niềm hy vọng lớn của Thể thao Hà Nội cũng như Việt Nam.
Trong năm 2017, đấu trường được chờ đợi nhất của đội tuyển kiếm quốc tế Việt Nam chính là SEA Games 29 - sẽ diễn ra tại Malaysia. Lãnh đạo Tổng cục TDTT đã đề ra mục tiêu cho đoàn thể thao Việt Nam là lọt vào nhóm 3 đoàn dẫn đầu. Hai năm trước, đội tuyển kiếm quốc tế Việt Nam với nòng cốt là các VĐV Hà Nội đã tạo nên thành công vang dội khi giành tới 8/12 HCV môn kiếm quốc tế tại SEA Games 28. Lần này, điều lệ SEA Games 29 có sự thay đổi khi chỉ có 6 bộ huy chương (đều ở nội dung cá nhân) dành cho kiếm quốc tế. Trong 8 HCV mà đội tuyển kiếm quốc tế Việt Nam giành được tại SEA Games 28, có tới 6 HCV ở nội dung đồng đội. Bởi vậy, ở SEA Games tới đây, theo quy định mới, có thể coi như đội tuyển kiếm quốc tế "mất" một loạt HCV đồng đội.
Niềm hy vọng "vàng" được đặt vào Vũ Thành An và Đỗ Thị Anh - hai kiếm thủ sáng giá nhất trong làng kiếm quốc tế Việt Nam nhờ sức trẻ, khát khao và tài năng. Còn “nữ hoàng kiếm chém Đông Nam Á” Nguyễn Thị Lệ Dung thì chưa chắc góp mặt tại SEA Games sắp tới (diễn ra vào tháng 8-2017) bởi trong tháng này cô sẽ phải phẫu thuật đầu gối, cần khoảng 6 tháng để hồi phục. Quãng thời gian còn lại không đủ để Lệ Dung dự SEA Games với phong độ cao. Nếu may mắn được góp mặt, cô cũng khó vượt qua được kiếm thủ người Singapore Ywen Lau, người đang có sự tiến bộ vượt bậc. Chủ nhiệm bộ môn kiếm quốc tế Hà Nội Phạm Anh Tuấn cho rằng: “Các kiếm thủ Việt Nam rất khó giành được nhiều huy chương vàng như đã từng làm được ở kỳ SEA Games trước”.
Khó khăn khách quan là vậy, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam và chính các kiếm thủ tại Hà Nội còn đối diện với khó khăn khác nữa. Nếu cứ giữ cách đầu tư như đã thấy trong thời gian gần đây, các VĐV thường không có điều kiện đi tập huấn ở nước ngoài, thiếu thiết bị tập luyện và thi đấu ở trong nước, thành tích của đấu kiếm Việt Nam tại SEA Games 2017 có thể sẽ không được như kỳ vọng. Chuyện “nhà nghèo vượt khó” như đã thấy ở vòng loại Olympic 2016 sẽ khó lặp lại.