Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống báo Đại Đoàn Kết

Đời sống - Ngày đăng : 14:15, 06/01/2017

(HNMO) - Hôm nay, 6/1, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, báo Đại Đoàn Kết - tiền thân là báo Cứu Quốc - đã tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày ra số báo đầu tiên (25/1/1942 - 25/1/2017).

Tới dự lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo và đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Ôn lại lịch sử 75 năm hình thành và phát triển báo Đại Đoàn Kết, Tổng biên tập Hồng Thanh Quang phát biểu: “Vào những ngày này cách đây 75 năm, thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Xứ uỷ Bắc Kỳ, tờ báo Cứu Quốc đã được chuẩn bị tích cực cho việc ra đời số đầu tiên. Ngày 25/1/1942, trong căn nhà lá của một người nông dân nghèo ở làng Xuân Kỳ (nay thuộc xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), báo Cứu Quốc - cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh - đã ra số đầu tiên. Tòa soạn lúc ấy chỉ có 3 người: Tổng Bí thư Trường Chinh làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, Ban Biên tập có các đồng chí Lê Quang Đạo và Lê Toàn Thư.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, báo chuyển về Hà Nội và nhanh chóng trở thành tờ nhật báo lớn nhất cả nước thời ấy. Cứu Quốc là tờ báo đầu tiên có vinh dự được đăng những bài báo của Bác Hồ sau Cách mạng tháng Tám. Kể từ năm 1945 đến năm 1955, Bác Hồ đã viết và đăng trên Cứu Quốc khoảng 400 bài, với nhiều bút danh khác nhau. Có thể kể ra rất nhiều văn bản quan trọng của đất nước đều lần đầu công bố trên Cứu Quốc như Tuyên ngôn Độc lập, Lời thề của Chính phủ và Lời thề của Quốc dân được đăng ngay sau ngày Lễ Độc lập, Hiến pháp 1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Thông báo tìm người tài đức của Bác Hồ…


Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Cứu Quốc luôn là tờ báo đi đầu trên mọi mặt trận. Đầu năm 1964, MTTQ Việt Nam quyết định cử một đoàn cán bộ báo Cứu Quốc từ Hà Nội vào miền Nam làm nòng cốt để thành lập báo Giải Phóng - cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Sau khi đất nước được thống nhất, đầu năm 1977, báo Giải Phóng hoàn thành sứ mệnh lịch sử, Cứu Quốc hợp nhất với Giải Phóng, lấy tên là Đại Đoàn Kết”.

Chúc mừng và giao nhiệm vụ cho báo Đại Đoàn Kết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước, Mặt trận và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao vai trò và những đóng góp to lớn của báo Đại Đoàn Kết đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước trong 75 năm qua và đã dành tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tới dự và phát biểu tại buổi lễ.


Trên tinh thần này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn trong thời gian tới, báo Đại Đoàn Kết tiếp tục phát huy truyền thống 75 năm thực tiễn và bám sát các nhiệm vụ của Mặt trận, tiếp tục là công cụ vận động quần chúng hiệu quả của MTTQ Việt Nam và cả hệ thống chính trị, là người bạn đồng hành có tiếng nói ân tình, sâu sắc trong quá trình tăng cường củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc".

Cũng nhân dịp này, báo Đại Đoàn Kết phiên bản điện tử đã ra mắt giao diện mới nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ.

Nghi thức ra mắt giao diện mới của Báo Đại Đoàn Kết phiên bản điện tử.

Mai Chi