Văn hóa giao thông bắt đầu từ ý thức người dân
Giao thông - Ngày đăng : 02:53, 06/01/2017
Văn hóa giao thông là gì?
Khái niệm VHGT tưởng như rất đơn giản, dễ hiểu, nhưng thực ra lại rất khó để đi đến một kết luận chung nhất, dù từ lâu nó đã được đề cập khá phổ biến mỗi khi bàn về giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Kênh VOV giao thông quốc gia (Đài Tiếng nói Việt Nam) từng thực hiện nhiều khảo sát trực tiếp trong suốt 7 năm qua, với chỉ một câu hỏi "VHGT là gì?". Theo ông Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV giao thông quốc gia: Kết quả, không có bất cứ một đáp án cụ thể nào đủ áp đảo để trở thành một khái niệm đại chúng.
Còn theo các chuyên gia, VHGT là bao gồm cả hai mặt văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Trong đó, văn hóa vật chất là các hạ tầng kỹ thuật giao thông, phương tiện, thiết bị điều hành giao thông. Văn hóa tinh thần gồm các quy tắc giao thông được pháp luật quy định, cách thực thi, hành vi tham gia giao thông, trách nhiệm và tâm lý của người tham gia giao thông. Trong lĩnh vực này, phần văn hóa tinh thần lại rất quan trọng - đó chính là ý thức của người tham gia giao thông.
Như vậy, tạm hiểu là để xây dựng VHGT, ngoài việc các cơ quan chức năng tập trung hoàn thiện thể chế, quy phạm pháp luật, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và mạng lưới vận tải hành khách công cộng thì cần có vai trò rất to lớn của người tham gia giao thông. Tại hội thảo mang tên "VHGT - Trách nhiệm thuộc về ai?" do Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức vào tháng 12-2016, TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã đưa ra một thực trạng: Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành từ năm 2002, đến nay đã ngót 15 năm; nhưng vì sao với thời gian dài như vậy, VHGT vẫn là một điều khá xa vời và chưa thực sự nằm trong nhận thức của một bộ phận khá lớn các thành viên trong xã hội. Có nhiều người Việt, khi ra nước ngoài thì tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật của nước sở tại nhưng về nước lại dễ dàng vi phạm luật giao thông của nước mình. Không ít người, kể cả người đi bộ, người điều khiển xe máy, ô tô rất thiếu ý thức tự giác, chỉ chấp hành pháp luật khi có mặt lực lượng chức năng duy trì trật tự, bảo đảm ATGT.
Nhiều người cho rằng, ra đường là gặp vi phạm pháp luật giao thông, trong khi đó tỷ lệ xử phạt vi phạm so với hành vi vi phạm xảy ra trong thực tế khá thấp. Hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực trong một bộ phận người thực thi công vụ đã tạo ra hiện tượng phản văn hóa trong xã hội. Đó cũng chính là lý do dẫn tới nhiều năm nay, ùn tắc và tai nạn giao thông trở thành một "đại dịch" chưa có thuốc chữa.
Cần loại "vắc xin nội sinh"
Đang có những luồng ý kiến khác nhau khi trả lời câu hỏi "Làm gì để có VHGT?" TS Lê Hồng Sơn cho rằng, yếu tố hàng đầu để xây dựng VHGT là hệ thống thể chế, pháp luật. Hệ thống này dù vẫn còn một số điểm chưa hoàn hảo nhưng có thể khẳng định đã tương đối hoàn thiện. Vấn đề quan trọng là trách nhiệm thi hành, khả năng thực thi của xã hội, kể cả từ phía người có trách nhiệm duy trì trật tự, ATGT cũng như từ phía người tham gia giao thông. Phải bảo đảm được tính nghiêm minh trong việc thực thi pháp luật. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong chính lực lượng có trách nhiệm bảo đảm trật tự, ATGT là hết sức quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt để giữ gìn kỷ cương, pháp luật và từng bước xây dựng VHGT.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ lại nhấn mạnh, VHGT trước hết phải thuộc về trách nhiệm của người tham gia giao thông. Bởi khi họ hiểu được các quy định của pháp luật về giao thông thì mới thể hiện được hành vi của mình và hành vi đó liên quan đến VHGT. Ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội nêu quan điểm: VHGT thuộc trách nhiệm của tất cả mọi người, từ các cơ quan quản lý đến truyền thông và người dân. Mỗi người hãy vào đúng vai, làm đúng trách nhiệm của mình thì sẽ có VHGT.
Có thể nói, không có thuốc thần nào để cải thiện tình trạng ùn tắc của Hà Nội nếu vẫn giữ thói quen tham gia giao thông tùy tiện hiện nay. Phải coi VHGT là loại "vắc xin nội sinh" trị tận gốc căn bệnh ùn tắc và tai nạn giao thông. Để việc tuyên truyền về VHGT một cách có hiệu quả, cần phải xác định một bộ tiêu chuẩn về những thói quen tham gia giao thông có văn hóa. Đó là tuân thủ pháp luật, tôn trọng cộng đồng và quyền đi lại của người khác. Khi người dân có thói quen tôn trọng pháp luật khi tham gia giao thông, những hành vi tùy tiện sẽ trở nên lạc lõng, dễ dàng bị nhận biết và xử lý. Khi chúng ta tôn trọng cộng đồng, tôn trọng quyền đi lại của người khác, sẽ không còn tình trạng chen lấn, mạnh ai nấy đi, tạo ra sự xung đột, cản trở giữa những người cùng tham gia giao thông.