Cần chiến lược khai thác không gian ngầm
Kinh tế - Ngày đăng : 06:00, 06/01/2017
Không gian "vàng"
UBND TP Hồ Chí Minh vừa đồng ý trích nguồn ngân sách xây dựng Nhà văn hóa Thanh niên, trong đó cho phép dự án này có thêm công trình ngầm bên dưới. PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, một đô thị được coi là mẫu mực sẽ là đô thị với hệ thống văn phòng, công sở, cửa hàng… cùng hệ thống giao thông huyết mạch nằm toàn bộ dưới lòng đất, trả lại mặt bằng trên cho các công viên, cây xanh và các khu vực vui chơi, giải trí. Theo ông Lê Hòa Bình, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trong những năm qua, để đáp ứng nhu cầu chung của xã hội, ngoài hệ thống Metro đang bắt đầu được xây dựng, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có hàng trăm công trình được cấp phép xây dựng có tầng hầm, nằm rải rác ở các quận nội thành. Chỉ riêng khu vực trung tâm quận 1, trên diện tích 104ha, đã có khoảng 60 công trình cao tầng có tầng hầm, với tổng diện tích sàn hầm trên 265.000m2. Trong số này, có nhiều công trình phức hợp được thiết kế từ 3 đến 6 tầng hầm với diện tích lớn.
Việc xây dựng các công trình ngầm sẽ đáp ứng được yêu cầu của một đô thị ngày càng đắt đỏ và khan hiếm diện tích mặt đất. Đối với các công trình mang tính thương mại như tầng hầm các cao ốc, trung tâm thương mại ngầm... còn đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư do tiết kiệm diện tích đất, giảm chi phí đầu tư, chi phí thi công nhưng tăng giá trị sử dụng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Công, chuyên gia về công trình ngầm cho biết, thành phố có thể xây dựng nhiều công trình ngầm có độ sâu tới 40m. Những công trình này sẽ khai thác hiệu quả, kinh tế hơn so với xây dựng công trình trên mặt đất do giảm chi phí sử dụng đất, chi phí đền bù giải tỏa, thời gian sử dụng lâu, đồng thời không phá vỡ quy hoạch, không gian mặt đất.
Cần có chiến lược trong quy hoạch
Theo ông Nguyễn Văn Công, vấn đề không gian ngầm tại các công trình đô thị hiện nay rất quan trọng, nhiều chuyên gia trong ngành đã bàn cãi nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Tại TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hòa Bình cho biết, do thiếu quy hoạch không gian ngầm, tầng hầm của các công trình đều xây dựng độc lập, chưa được kết nối một cách có hệ thống để khai thác sử dụng đạt hiệu quả cao nhất. Đến nay, thành phố chưa có đồ án quy hoạch không gian ngầm, các cơ chế chính sách về lập và quản lý quy hoạch không gian ngầm chưa được ban hành. Việc cấp phép xây dựng công trình ngầm còn mang tính sự vụ, giải quyết từng công trình cụ thể.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, quy hoạch không gian ngầm là một nội dung của quy hoạch xây dựng đô thị. Khi quy hoạch đô thị, phải căn cứ vào nhu cầu, tầm nhìn phát triển của thành phố để quy hoạch không gian ngầm. Việc quy hoạch đồng bộ ngay từ đầu sẽ tránh rời rạc, giúp kết nối giữa công trình trên mặt đất và công trình ngầm, tăng hiệu năng khai thác, sử dụng.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh công tác quy hoạch tổng thể, cần tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đối với không gian ngầm, công trình ngầm đô thị. Đến nay hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể trong từng giai đoạn khảo sát, thiết kế, thi công... cho việc xây dựng các loại công trình ngầm vẫn chưa hoàn chỉnh, còn nhiều khoảng trống, đặc biệt là những quy định về quy chuẩn công trình. Đa số các công trình giao thông ngầm, công trình xây dựng nhiều tầng hầm với diện tích lớn trên địa bàn thành phố đều phải áp dụng các tiêu chuẩn xây dựng của nước ngoài để thiết kế, thi công.
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, cần bổ sung và ban hành kịp thời, đồng bộ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế công trình ngầm. Bên cạnh đó, cần có cơ chế cụ thể để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát quá trình thi công, phương án tổ chức thi công. Đồng thời, nên thành lập đơn vị làm đầu mối để thu thập, xây dựng, quản lý dữ liệu công trình ngầm.