Thị trường viễn thông: Cạnh tranh ngày càng quyết liệt

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 02:52, 06/01/2017

(HNM) - Kết thúc năm 2016, như thường lệ, doanh thu, lợi nhuận của 3 doanh nghiệp (DN) viễn thông lớn là Viettel, VNPT, MobiFone đều đạt tăng trưởng cao. Tuy nhiên, đây cũng là năm mà Viettel và MobiFone đều giảm về lợi nhuận cho thấy cuộc cạnh tranh giữa 3 nhà mạng vẫn diễn ra quyết liệt...

Hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ của VinaPhone.Ảnh: Hải Anh


Chỉ VNPT tăng trưởng về lợi nhuận

Tập đoàn Viettel tiếp tục đạt doanh thu, lợi nhuận “khủng”, hoàn thành kế hoạch đề ra với các con số lần lượt là 226.558 tỷ đồng và 43.200 tỷ đồng. Viettel cũng là đơn vị nộp ngân sách nhà nước (NSNN) lớn nhất với 40.396 tỷ đồng, đồng thời là DN đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu lớn nhất với 34,1%. Tập đoàn VNPT đạt tổng doanh thu 135.223 tỷ đồng, tăng 7% (riêng khối viễn thông - công nghệ thông tin chiếm 127.435 tỷ đồng); lợi nhuận đạt 4.380 tỷ đồng, tăng 20,3%, nộp NSNN 3.600 tỷ đồng. Tổng công ty MobiFone đạt doanh thu 38.439 tỷ đồng, tăng trưởng 14,5%; lợi nhuận 5.204 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu ước đạt 25,6%, nộp NSNN là 4.593 tỷ đồng.

Trong các phát biểu gần đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn cũng đã đánh giá cao kết quả mà các DN kể trên đạt được, góp phần vào sự phát triển chung của toàn ngành và tăng trưởng GDP cả nước, đặc biệt là đóng góp cao vào NSNN, khi mà năm 2016 kinh tế đất nước còn khó khăn.

Cả 3 DN Viettel, MobiFone, VNPT đều đạt kết quả kinh doanh từ hoàn thành cho đến vượt kế hoạch, song ở từng chỉ số kinh doanh lại có sự khác biệt. Cụ thể, cả Viettel và MobiFone đều đạt tăng trưởng lợi nhuận cao, song cả hai đều bị suy giảm lợi nhuận so với năm trước. Trong đó, Viettel đã giảm lợi nhuận 2.600 tỷ đồng so với năm 2015, MobiFone giảm 2.191 tỷ đồng so với năm 2015. Chỉ có VNPT đạt tăng trưởng về lợi nhuận 20,3% đạt 4.380 tỷ đồng (năm 2015 là 3.280 tỷ đồng). Đây cũng là năm VNPT tiếp tục giữ vững được mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 20% trong 3 năm liên tiếp và cũng là nhà mạng duy nhất giữ được mức tăng trưởng trong năm 2016.

Hết thời thuê bao “ảo”

Từ vài năm gần đây, các chuyên gia đã đưa ra nhận định thị trường di động đã ở mức bão hòa và cạnh tranh giữa các nhà mạng chính là cuộc chiến “vét” từ thuê bao của nhà mạng này sang thuê bao của nhà mạng kia. Sở dĩ như vậy là vì dân số hiện khoảng 90 triệu người, nhưng cả nước đã có khoảng 130 triệu thuê bao di động. Ở một góc độ nào đó, cạnh tranh ở lĩnh vực thuê bao internet cáp quang cũng diễn ra tương tự. Có nghĩa là, thị trường chỉ có vậy nên nhà mạng nào tăng trưởng thuê bao, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, đồng nghĩa với việc nhà mạng kia bị mất khách hàng. Sức ép này đòi hỏi các nhà mạng luôn phải có hoặc thay đổi cách tiếp cận để làm sao chăm sóc khách hàng tốt nhất và đáp ứng dịch vụ một cách tốt nhất cho khách hàng. Một trong số đó là khi cơ quan quản lý nhà nước siết chặt việc quản lý thuê bao trả trước từ tháng 11-2016 nhằm thiết lập lại trật tự trong việc kinh doanh khiến các nhà mạng không thể “tự tung, tự tác” như trước cũng đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các nhà mạng.

Song, yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước cũng chính là “mệnh lệnh” mà người dân đặt ra nhằm lành mạnh hóa việc cung cấp dịch vụ, giảm tối đa việc gây phiền nhiễu cho người dân và xã hội. Do vậy, kết quả kinh doanh của các DN viễn thông cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Được biết, sau đợt "ra quân" thu hồi sim rác đã kích hoạt trên kênh phân phối, quản lý chặt đăng ký thông tin thuê bao, có nhà mạng bị thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng trong những tháng cuối năm 2016. Nhưng dù như vậy, cũng để thấy rằng, những kết quả kinh doanh mà các DN kể trên đạt được là những con số thực, tránh việc phát triển dựa trên thuê bao “ảo” như trước đây.

Việc 2/3 nhà mạng giảm lợi nhuận cũng cho thấy, khi thị trường bão hòa, doanh thu, lợi nhuận từ “miếng bánh" điện thoại đã giảm và từ đó buộc các nhà mạng phải tìm kiếm, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng mới. Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Tổng công ty VinaPhone (thuộc Tập đoàn VNPT) cho biết, nhà mạng này đang làm việc với các đối tác là DN lớn của nước ngoài để cung cấp các dịch vụ nội dung, giá trị gia tăng cho thuê bao VinaPhone, đáp ứng với nhu cầu của khách hàng. Song, việc cung cấp dịch vụ nội dung phải được khách hàng chấp nhận và minh bạch chứ không ép buộc. VinaPhone sẽ xử lý nghiêm các đối tác vi phạm các quy định.

Việt Nga